Theo congthuong.vn
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 1 USD/tấn, ở mức 3.440 USD/tấn, giao tháng 9/2024 giảm 2 USD/tấn, ở mức 3.362 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 0,3 cent/lb, ở mức 201,15 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 0,05 cent/lb, ở mức 199,95 cent/lb.
Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 101 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 0,55 cent. Giá cà phê nội địa mất trung bình 1.500 đồng/kg.
Cuối tuần trước, cà phê 2 sàn giảm trở lại, do một số đợt bán kỹ thuật trước khi nghỉ cuối tuần và cũng ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh hơn. Tính chung trong tuần qua, giá cà phê trong nước tương đối ổn định. Đáng chú ý, sau khi đã giảm mạnh từ mức đỉnh gần 135.000 đồng/kg, xuống khoảng 95.000 đồng/kg, thì giá cà phê đã có 4 phiên liên tiếp tăng do các dự báo mới nhất đánh giá mưa tại khu vực Tây Nguyên của Việt Nam và một số vùng trồng cà phê chính ở Brazil vẫn không đủ để đảm bảo cho cây cà phê sinh trường, rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn hiện hữu.
Những nhà đầu tư trên sàn có thể hy vọng vào sự hồi phục ngắn của Robusta. Tuy nhiên về trung hạn, có lẽ loại hàng Robusta sẽ có một đợt giảm sụt bởi sự bán thanh lý vị thế cũng chỉ vừa mới bắt đầu trong thời gian qua. Hơn nữa, một số nguồn cung lớn bắt đầu vào vụ thu hoạch, dù sản lượng cà phê Robusta của Brazil dự báo giảm 5-10% so với số liệu ban đầu. Indonesia - quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai sau Việt Nam, hoạt động thu hoạch hiện tại đang được hoãn sang tháng 6, thay vì tháng 4 như mọi năm do quả cà phê chín muộn.
Dự báo thời tiết từ cơ quan chức năng Mỹ cho biết, hiện có 49% khả năng loại thời tiết La Niña sẽ phát triển từ tháng 8 và sẽ kéo dài đến cuối năm nay. La Niña sẽ gây ra hiện tượng làm mát, gây ra khô hạn hơn ở các khu vực thuộc lục địa phía Nam châu Mỹ và mang tới mưa quá mức ở các khu vực xích đạo có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương.
Nguồn cung cà phê Arabica dồi dào hơn đã góp phần làm dịu đà tăng giá. Dự trữ cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York được cho là đã tăng 11.943 bao vào cuối ngày 10/5, ghi nhận lượng tồn kho này ở mức 699.616 bao.
Nhận định về thị trường tuần này, chuyên gia thị trường cà phê cho rằng sau 2 tuần giảm mạnh, giá cà phê đang "dò đáy". Giá cà phê tuần này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các chính sách tiền tệ và sự lên xuống của đồng USD. Có thể có đợt tăng nhẹ tuần này để cân đối lại lượng mua bán trên sàn.
Trong những tháng qua, tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài đã khiến cho lượng nước cạn kiệt, gây khó khăn cho việc tưới nước cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê ở các địa phương vùng Tây Nguyên. Đến nay, một số vùng trong đã xuất hiện mưa cục bộ đã giúp người dân áp dụng các biện pháp “giải hạn”, phục hồi vườn cây.
Để phục hồi vườn cà phê sau hạn hán, theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các nhà vườn cần áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, căn cứ theo mức độ thiệt hại. Đối với diện tích cà phê bị khô chết toàn bộ cành cơ bản, giải pháp duy nhất là cưa đốn phục hồi.
Đối với diện tích cà phê chỉ bị rụng lá, khô, vàng trái non do thiếu nước, bà con cần tăng cường theo dõi, phòng trừ sâu bệnh như các loại rệp vẩy xanh, rệp sáp có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn.
Theo Bloomberg, Tổ chức Cà phê quốc tế cho biết, giá cà phê Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 45 năm, do nguồn cung ngày càng khan hiếm đối với loại cà phê được sử dụng trong espresso và đồ uống hòa tan.
Trong báo cáo công bố ngày 3/5, ICO cho biết, chỉ số giá bán buôn tổng hợp tăng 17% trong tháng 4, lên mức cao nhất kể từ năm 1979. Thước đo ICO dựa trên tổng hợp giá giao ngay trên các thị trường chính. Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới - “tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung” sau vụ thu hoạch kém trong cả vụ trước và vụ hiện tại.
Tình hình nguồn cung suy giảm có thể tồi tệ hơn khi hạn hán và nắng nóng thiêu đốt các vùng trồng cà phê của Việt Nam, làm cạn kiệt nguồn nước tưới tiêu và hạn chế triển vọng cho vụ mùa năm 2024 sắp tới. Hợp đồng tương lai cà phê Robusta ở London đã tăng trong 5 tháng qua, điều này có thể ảnh hưởng đến chi phí tiêu dùng.
Trong tháng 4, giá cà phê Arabica nằm trong mức cao nhất 2 năm; giá cà phê robusta ghi nhận mức cao kỷ lục chưa từng có, bỏ khá xa mốc cao lịch sử đã lập vào năm 1994 khi Brazil bị sương giá tàn phá 50% sản lượng cà phê. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nguyên nhân được cho là do lo ngại về nguồn cung cà phê của Brazil và Việt Nam giảm; tồn kho giảm, trong khi nhu cầu tăng; rối loạn vận chuyển do những bất ổn vùng Biển Đỏ dẫn đến nguồn cung hạn chế.
Ngọc Hân