Theo congthuong.vn
Trước nguy cơ đang hiện diện, chúng ta cần nhanh chóng bắt tay giải quyết các vướng mắc để giữ vững vị thế hiện có.
Vị thế số 1 thế giới của Việt Nam dần lung lay
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hàng năm chúng ta sản xuất khoảng 27 - 30 triệu bao cà phê Robusta, đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, vị thế bá chủ đang dần mờ nhạt trên bản đồ cà phê thế giới. Kể từ sau niên vụ 2021-2022, thị phần cà phê của Việt Nam liên tục sụt giảm, từ việc chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu, giảm xuống còn 36% trong niên vụ hiện tại.
|
Sản lượng Robusta Việt Nam so với thế giới 10 năm trở lại đây |
Sự sụt giảm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ toàn cầu nóng lên, khiến một số vùng sản xuất cà phê tại Việt Nam không còn phù hợp và sản lượng có xu hướng đi xuống. Hiệp hội Cà phê Ca cao (VICOFA) dự báo sản lượng cà phê vụ 2023-2024 tại Việt Nam giảm thêm 10% so với vụ trước, về khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26 triệu bao loại 60kg).
Thứ hai, nông dân ưu tiên trồng các loại cây mang lại lợi ích kinh tế cao như sầu riêng, chanh leo. Tính đến tháng 3/2024, giá sầu riêng tăng lên 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm trước khi thỏa thuận xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết.
Thứ ba, khó khăn mở rộng diện tích khi gia tăng sản lượng không còn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển ngành cà phê. Trong đề án cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2030, tổng diện tích cà phê cả nước mục tiêu duy trì ổn định khoảng 600.000 hecta. Trước khó khăn về điều kiện thời tiết bất lợi, diện tích gieo trồng không được mở rộng, đương nhiên sản lượng cà phê nước ta sẽ khó duy trì.
|
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam |
Nhận định về tình hình sản xuất cà phê trong những năm gần đây, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: “Không thể phủ nhận việc nâng cao chất lượng là lối đi cần thiết để hướng tới sự phát triển lâu dài của ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, khi chúng ta chỉ tập trung vào hướng đi mới mà lãng quên lợi thế vốn có về sản lượng, việc giữ được vị thế số một về sản xuất cà phê trên thị trường toàn cầu là một thách thức vô cùng lớn”.
Brazil với tham vọng chiếm lĩnh toàn thị trường
Trái ngược với tình hình sản lượng cà phê đang đi xuống tại Việt Nam, Brazil, đối thủ cạnh tranh hàng đầu của nước ta đã và đang hướng tới mở rộng sản xuất Robusta.
Nhìn sâu vào tình hình nguồn cung, sản lượng Robusta tại Brazil đã từng bước chuyển mình trong suốt 10 năm qua. Theo thống kê từ USDA, trong niên vụ 23/24, sản lượng Robusta tại Brazil đạt 21,4 triệu bao, tăng 26% so với niên vụ 2014-2015. Đồng thời, tỷ trọng cà phê Robusta của Brazil so với toàn cầu từ mức 24% trong 10 niên vụ trước đã tăng lên 29% trong niên vụ hiện tại. Các số liệu cho thấy khoảng cách về sản lượng Robusta của Brazil đối với Việt Nam đang dần một thu hẹp.
|
Tương quan sản lượng Robusta của Việt Nam và Brazil |
Bên cạnh việc sản lượng cải thiện, hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể. Đặc biệt, xuất khẩu Robusta từ quốc gia Nam Mỹ đã thực sự bùng nổ trong niên vụ 2023-2024. Tính từ tháng 7/2023 đến hết tháng 2/2024, Brazil đã xuất đi khoảng 5 triệu bao Robusta dạng hạt, tăng gấp 5 lần so cùng kỳ năm trước.
Một trong những lý do nổi bật khiến Brazil đẩy mạnh sản xuất Robusta đến từ sự thay đổi thời tiết trong những năm gần đây. Trước đây, nông dân Brazil thường ưu tiên việc canh tác Arabica nhưng “nút thắt” lớn nhất đối với giống cà phê này chính là sự nhạy cảm với thời tiết. Trong bối cảnh thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, Robusta với tính ưu việt về khả năng chống chịu dần được ưa chuộng hơn. Minh chứng là, diện tích Robusta tại Brazil trong một thập kỷ trước chỉ chiếm chưa tới 20% tổng quỹ đất trồng cà phê, đến nay, con số này đã mở rộng lên gần 22%.
Hướng đi nào cho ngành cà phê Việt?
“Nếu hoạt động sản xuất cà phê tại Việt Nam và Brazil duy trì xu hướng như hiện tại, việc Brazil thay thế nước ta trở thành quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong vài năm tới. Vì vậy, việc tìm ra hướng giải quyết để giúp Việt Nam duy trì sự an toàn của vị thế dẫn đầu thị trường Robusta là điều cần làm ngay lúc này”, ông Quỳnh nhấn mạnh về thực trạng chuyển dịch sản xuất cà phê.
Trước tình cảnh cấp thiết kể trên, MXV đặt ra ba giải pháp chính giúp đảm bảo vị thế “ngôi vương” thế giới về sản xuất Robusta của Việt Nam.
Thứ nhất, giá Robusta thế giới và Việt Nam đang tiếp đà tăng trên vùng đỉnh lịch sử là lợi thế lớn giúp giữ chân nông dân với ngành cà phê. Tuy nhiên, để nông dân thực sự gắn bó lâu dài với ngành, việc thúc đẩy hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp trong các khâu để đảm bảo mức giá hợp lý và nguồn cung ổn định cho thị trường là điều cần nghiêm túc đẩy mạnh. Khi nông dân duy trì sự ràng buộc và lợi ích kinh tế nhờ việc trồng cà phê, sẽ hạn chế việc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Thứ hai, trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, việc cải tiến cây trồng để đáp ứng với bối cảnh mới là điều cần duy trì thường xuyên và liên tục. Cải tiến không chỉ dừng lại ở việc thích nghi với điều kiện mới mà còn cần thúc đẩy năng suất cây trồng để đưa đến mức sản lượng tốt hơn trong bối cảnh khó mở rộng diện tích trồng cà phê.
Hiện nay, Việt Nam vẫn được biết đến là quốc gia có năng suất cà phê lớn nhất thế giới nhưng không có sự cải thiện đáng kể nào trong những năm gần đây. Kể từ niên vụ 2018-2019 đến nay, năng suất cà phê nước ta vẫn chỉ dao động trong khoảng 2,9 – 3,0 tấn/hecta.
|
Năng suất trồng cà phê của Việt Nam |
Cuối cùng, chính phủ nên tạo cơ hội để ngành cà phê phát triển một cách toàn diện hơn. Các kế hoạch phát triển ngành cần cân bằng giữa yếu tố chất và lượng. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại, hợp tác quốc tế cần được thúc đẩy hơn nữa để tạo không gian mở cho ngành cà phê phát triển lâu dài và bền vững.
Trịnh Thảo – Phương Linh