Theo bnews.vn
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, Văn phòng vừa có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam về thông báo dự thảo sửa đổi quy định đối với cà phê hạt và sản phẩm cà phê của Thành viên WTO.
Cụ thể, Mexico đã có thông báo số G/SPS/N/MEX/439, G/SPS/N/MEX/441 sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc nhập khẩu hạt cà phê Arabica và Robusta có nguồn gốc từ một số quốc gia; trong đó có Việt Nam. Kết quả này được Cơ quan Dịch vụ Chất lượng, An toàn và Sức khỏe Nông nghiệp Thực phẩm Quốc gia của Mexico (SENASICA) xác định dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ dịch hại.
Theo đó, Mexico dự kiến bổ sung quy định về các biện pháp kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu bao gồm: hạt cà phê sẽ được giữ lại tại cửa khẩu để kiểm tra cho đến khi nhận được kết quả phân tích. Nếu kết quả chẩn đoán có đối tượng kiểm dịch, nhà nhập khẩu có thể chọn trả lại nơi xuất khẩu hoặc tiêu hủy. Nếu kết quả chuẩn đoán có côn trùng (không phải đối tượng kiểm dịch), sẽ áp dụng biện pháp xử lý bằng methyl bromide T302 (d1).
Mexico cũng gỡ bỏ 2 biện pháp: yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ thủ tục lưu giữ, giám sát và tự chịu trách nhiệm; yêu cầu chẩn đoán kiểm dịch thực vật đối với nấm, vi khuẩn và cỏ dại.
Bên cạnh đó, các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain, Bang Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê-út, Yemen cũng có các thông báo số: G/SPS/N/ARE/279, G/SPS/N/BHR/236, G/SPS/N/-KWT/139, G/SPS/N/OMN/132, G/SPS/N/QAT/136, G/SPS/N/SAU/531 và G/SPS/N/YEM/77.
Nội dung chính của thông báo là: Dự thảo các yêu cầu quy định kỹ thuật liên quan đến lấy mẫu; phương pháp kiểm tra và thử nghiệm, đóng gói, vận chuyển, bảo quản và ghi nhãn đối với hạt cà phê rang nguyên hạt và cà phê rang xay thuộc giống (Coffea), không bao gồm cà phê rang xay được thêm chất phụ gia và cà phê hòa tan.
Như vậy, đối với hạt cà phê rang nguyên hạt và cà phê rang xay của Việt Nam xuất sang các thị trường nêu trên sẽ chịu điều chỉnh bởi dự thảo tiêu chuẩn này nếu được áp dụng.
Các dự thảo sửa đổi quy định có thời hạn nhận góp ý 60 ngày kể từ ngày đăng thông báo. Do vậy, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các đơn vị nghiên cứu và thông báo cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sản phẩm xuất khẩu liên quan đến thị trường trên để có ý kiến góp ý hoặc điều chỉnh phù hợp với quy định. Ý kiến góp ý cho dự thảo (nếu có) gửi về Văn phòng SPS Việt Nam trước ngày 20/5/2024 để được tổng hợp và chuyển tới Thành viên WTO.
Bích Hồng (TTXVN)