Theo vietnambiz.vn
Cà phê đạt kỷ lục mới về kim ngạch và giá bán
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 188.972 tấn, trị giá 671,8 triệu USD, giảm 10,2% về lượng nhưng tăng 39,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung quý I, xuất khẩu mặt hàng này đạt 585.696 tấn với kim ngạch thu về hơn 1,9 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và tăng tới 56,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023 nhờ giá tăng cao. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt mức cao nhất trong quý I của các năm, trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong quý đầu năm.
Trong quý I, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 3 đạt 3.555 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 55% so với cùng kỳ.
Kết thúc 6 tháng đầu tiên của niên vụ 2023-2024, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam - nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới đạt 958.457 tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Như vậy, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 60% trong tổng số sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.
Mặc dù sản lượng giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê năm nay dự kiến vẫn sẽ vượt năm ngoái nhờ giá tăng cao.
Phát biểu tại buổi khai trương kho cà phê đầu tiên tại miền bắc hồi tháng 3, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - doanh nghiệp thuộc Top 3 xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, cho rằng kim ngạch có thể đạt mức kỷ lục mới 5 tỷ USD trong năm nay.
“Chúng ta đang chứng kiến cục diện lớn hơn của ngành cà phê Việt Nam. Cách đây 10 năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, năm vừa rồi đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD và năm nay có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD”, ông Huy nói.
Từ đầu niên vụ 2023-2024 đến nay, giá cà phê robusta thế giới cũng như thị trường nội địa Việt Nam liên tiếp thiết lập kỷ lục mới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4, giá cà phê robusta thế giới tăng lên mức cao nhất lịch sử, trong khi arabica đạt đỉnh 6 tháng. Cụ thể, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 5 trên sàn London đạt 3.843 USD/tấn, tăng gần 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn NewYork dao động ở mức 220,3 US cent/pound, tăng 19% so với cùng kỳ.
Còn tại Tây Nguyên, khu vực sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam, giá cà phê robusta nhân xô đã cán mốc gần 110.000 đồng/kg, tăng gần 60% so với đầu năm và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đồng thời là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, sản lượng sụt giảm ở nhiều nước sản xuất lớn là yếu tố chính đẩy giá cà phê tăng cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị ở khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa), biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng riêng Việt Nam mà ảnh hưởng các vùng trồng toàn cầu.
“Niên vụ 2023-2024 dự báo chịu tác động của El Nino lớn hơn so với các niên vụ trước. Những nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng niên vụ năm nay giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Việt Nam dự báo giảm 10%", ông nói.
Đại diện của một doanh nghiệp cho biết do tồn kho từ năm ngoái thấp, cộng thêm sản lượng giảm dẫn đến tình trạng khan hàng năm nay diễn ra sớm hơn ngay từ tháng 2. Đến nay, lượng dự trữ của nhiều doanh nghiệp không đủ để bán đến vụ thu hoạch mới, có doanh nghiệp tạm ngưng xuất khẩu kéo dài vì hết hàng.
Doanh nghiệp FDI gia tăng tỷ trọng trong xuất khẩu cà phê Việt Nam
Trong bối cảnh giá cà phê nội địa tăng cao chưa từng thấy, với lợi thế nguồn vốn dồi dào các doanh nghiệp FDI đã đẩy mạnh thu mua và gia tăng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước những năm gần đây.
Theo đó, tỷ trọng của khối doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã tăng từ 26,7% trong quý I/2022 lên mức 32% của quý I/2024. Doanh nghiệp trong nước dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn là 68% nhưng đã thu hẹp so với 73,3% của quý I/2022.
Trong quý I/2024, lượng cà phê xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với 187.152 tấn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng chung toàn ngành là 5,9%. Trong khi doanh nghiệp trong nước tăng nhẹ gần 2%, đạt 398.544 tấn.
EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam
Liên minh châu ÂU (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong quý I, đạt 241.773 tấn, trị giá 778,4 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 64,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường này chiếm đến 41,3% về lượng và 40,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Trong khối EU, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức đạt cao nhất với 72.377 tấn, giảm 6,6%; Italy đạt 64.627 tấn, tăng 20,6%; Tây Ban Nha đạt 44.619 tấn, tăng 65,5%; Hà Lan tăng 63,9%...
Các nhà rang xay châu Âu đang đẩy mạnh nhập khẩu cà phê do tồn kho cạn kiệt. Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) cho biết tồn kho cà phê tại kho cảng tại châu Âu đã giảm 37,9% so với cuối năm ngoái, xuống còn 437.059 tấn vào cuối tháng 2 vừa qua. Trong đó robusta giảm 43,6%, đạt 144.559 tấn.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo của cà phê Việt Nam trong quý đầu năm với 37.381 tấn, tăng 39,7% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường lớn khác tại khu vực châu Á cũng tăng rất mạnh so với cùng kỳ như: Trung Quốc tăng 71,8%; Hàn Quốc tăng 14,8%; Malaysia tăng 49,7%; đặc biệt, Indonesia tăng 116,3%; Philippin tăng 100%; Thái Lan tăng 234,8%...
Trong khi đó, lượng cà phê xuất khẩu sang Mỹ, Nga, Algeria lại giảm lần lượt là 5,5%, 10,4% và 2,4%.
Hoàng Hiệp