Theo thống kê, tổng diện tích cà phê tái canh giai đoạn 2012 - 2019 của huyện Đắk R'lấp đã đạt 3.138 ha, gồm hai hình thức trồng mới và ghép cải tạo. Các giống cà phê tái canh chủ yếu là TRS1, TR4, TR9, TR11, TS1.
Qua kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho thấy, cà phê tái canh trên địa bàn huyện sinh trưởng và phát triển tốt, kháng chịu sâu bệnh cao. Nhiều diện tích cà phê tái canh năm 2012 đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt trên 3 tấn/ha, có những nơi đạt 4 - 5 tấn/ ha. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu người dân, năm 2020, huyện đưa ra kế hoạch tái canh 635,80 ha cà phê, trong đó ghép cải tạo 149,50 ha và trồng mới 486,30 ha.
|
Toàn huyện Đắk R'lấp đã tái canh được 3.138 ha cà phê. Ảnh: Nông dân xã Quảng Tín chăm sóc cà phê tái canh
|
Để đạt kế hoạch này, huyện đã giao nhiệm vụ cho phòng chuyên môn, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, các đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền chương trình tái canh cà phê. Lực lượng làm công tác nông nghiệp, khuyến nông, hội nông dân cơ sở cũng đẩy mạnh vận động, hướng dẫn, theo dõi quá trình tái canh của bà con bảo đảm đúng quy trình, kỹ thuật.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNNT huyện, địa phương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho hàng trăm lượt nông dân về kỹ thuật tái canh cà phê. Huyện cũng đã xây dựng các vườn ươm giống cà phê tái canh tại các hộ dân. Cây giống tại các vườn ươm này đều phải đạt chuẩn mới được xuất bán ra thị trường.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp, hiện nay nhu cầu tái canh cà phê trên địa bàn huyện còn nhiều, trong đó phần lớn hộ dân gặp khó về vốn. Do vậy, để tiến độ tái canh cà phê đạt kết quả cao thì UBND huyện đang chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, nhất là phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục vay vốn nhanh chóng và thuận lợi. Các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ, gia đình chính sách có nhu cầu vẫn được cấp cây giống cà phê đạt chuẩn để sản xuất. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn đã và đang xây dựng các mô hình về tái canh, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, trồng xen, trồng cây che bóng, chắn gió tại các địa bàn để nông dân có thể trực tiếp tham quan, học tập.