Việc đóng cửa các quán cà phê trên khắp nước Mỹ đã gây ra lo ngại cho người trồng và các nhà rang xay nhỏ trong ngành công nghiệp trị giá 18 tỉ USD/năm này.
Cà phê đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia Mỹ Latinh và sản xuất cà phê tại khu vực này chủ yếu để xuất khẩu sang Mỹ.
Người trồng cà phê tại đây đã phải đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu và bệnh rỉ sét trên cây cà phê trong nhiều năm, thậm chí giờ đây đại dịch COVID-19 đang phá vỡ chuỗi cung ứng và gây khó khăn cho việc xuất khẩu cà phê sang Mỹ.
Những thương hiệu cà phê lớn như Maxwell House và Folgers đã dự trữ cà phê và tăng giá sản phẩm.
Các công ty cà phê thương mại có thể ứng phó được với sự gia tăng nhỏ trong chi phí sản xuất hoặc nhu cầu yếu trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, đối với các nhà nhập khẩu và rang xay cà phê đặc sản nhỏ, việc thiếu hụt nhu cầu có thể ảnh hưởng xấu tới việc kinh doanh của họ.
Cà phê thương mại hiện giao dịch ở mức dưới 1 USD/pound, giảm từ mức cao nhất trong 52 tuần là khoảng 1,3 USD/pound vào tháng 12/2019.
Sự thiếu hụt nhu cầu gây ra bởi việc đóng cửa nhà hàng và quán cà phê đã gây áp lực cho người trồng và các hợp tác xã ở Guatemala, Colombia và các quốc gia sản xuất cà phê khác.
Chi phí sản xuất gia tăng trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu cũng góp phần làm giảm nhu cầu.
Theo ông Todd Caspersen, phó chủ tịch của hợp tác xã cà phê Equal Exchange, có một sự mất cân bằng về trang thiết bị trong hệ thống vận chuyển toàn cầu bắt đầu từ cuộc chiến thương mại Trung Quốc.
Giá cước vận tải biển đã tăng lên vì các container vận chuyển đã gặp khó khăn trong quá trình đến các cảng xuất khẩu.
Ông Caspersen cũng cho biết, sự gián đoạn lao động ở Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến việc giảm giá trong chuỗi cung ứng bên cạnh việc chi phí vệ sinh trong chế biến cà phê và sản xuất gia tăng nhanh chóng.
Cuối cùng, người tiêu dùng hoặc nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong khi đại dịch COVID-19 dự báo sẽ tiếp tục gây bất ổn cho khu vực Nam Mỹ, Colombia bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cà phê arabica.
Quốc gia này hiện chỉ có thể tuyển lao động thời vụ và thu hoạch cà phê thủ công. Do lo ngại về sự lây lan của virus corona, các vùng nông thôn đã hạn chế số lượng lao động có sẵn.
Trong tháng 4 vừa qua, sản lượng cà phê Colombia đã giảm 28% so với cùng kì năm 2019.
Ông Miguel Gomez, phó giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Cornell, cho biết Liên đoàn người trồng cà phê Colombia đã trở thành một mạng lưới an toàn cho các nhà sản xuất trong quá khứ, giúp duy trì mức giá cà phê cao hơn cho nông dân.
Những thách thức từ đại dịch COVID-19 đang đặt ra cho thu hoạch, sản xuất và xuất khẩu cà phê có thể được giải quyết bằng các biện pháp bảo vệ mà liên đoàn đang thực hiện để hỗ trợ nông dân.
Các nhà sản xuất cà phê tại Colombia đã vượt qua nhiều rào cản chính trị xã hội trong những năm qua, và đại dịch là mối đe dọa mới đối với sinh kế của họ.
Theo Vietnambiz