Cả nước có khoảng 640.000 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên khoảng 570.000 ha. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), tại Tây Nguyên thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, thế nhưng nông dân trồng cà phê đã sử dụng nước tưới rất nhiều gây lãng phí, thất thoát chất dinh dưỡng do bị rửa trôi và làm giảm hiệu quả sản xuất cà phê.
Tưới phun mưa tại gốc cà phê
Tính toán, các hộ sản xuất cà phê tưới 3 - 4 lần/mùa khô, với lượng nước 520 lít/cây/lần tưới là lượng nước hợp lý cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển. Nhưng, kết quả đều tra của Viện WASI cho thấy có trên 50% số hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên tưới thừa nhiều nước (từ 550 - 950 lít/lần tưới).
Thời gian qua, Dự án VnSAT đã phối hợp với WASI hỗ trợ nhân rộng lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm dành cho các hộ nông dân trong các HTX/THT trồng cà phê tại Tây Nguyên.
|
Nông dân Tây Nguyên lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho cà phê
|
Tại HTX Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), đã có hàng chục hộ thành viên được hưởng gói hỗ trợ nhân rộng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây cà phê được bàn giao và đưa vào sử dụng. Các hộ dân lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tại gốc được dự án VnSAT hỗ trợ 50% kinh phí và các hộ nông dân tự bỏ ra 50% chi phí còn lại. Qua kiểm tra đánh giá cho thấy, hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc hoạt động khá hiệu quả, lượng nước tưới tiết kiệm hơn 70% so với phương pháp tưới truyền thống và đồng đều cho từng gốc. Ngoài ra còn tiết kiệm điện năng, có thể châm phân trực tiếp tới bộ rễ, nước thấm từ từ; cải tạo môi trường mát mẻ cho cây trồng.
Ông Trương Hoàng Trung – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Quyết Tiến cho biết, các hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp giảm chi phí đầu vào 10-18 triệu đồng/ha/năm, đây là khoản tiền không nhỏ với đa số nông hộ trồng cà phê hiện nay. Đồng thời tối ưu hoá nước tưới còn gia tăng năng suất vườn cây khoảng 0,5 tấn cà phê nhân/ha. Ngoài lợi ích kinh tế, tưới nước tiết kiệm góp phần bảo vệ môi trường, ổn định sản xuất cây có tưới.
Các mô hình áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm so với tưới theo truyền thống đã giảm lượng nước tưới (600 - 1.150 lít/gốc/năm, tương ứng 25 - 47,9%). Bên cạnh đó, việc bón phân cho cà phê qua hệ thống tưới nước tiết kiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, vì vậy tiết kiệm lượng phân bón sử dụng (giảm 20 - 26% lượng phân nguyên chất) đồng thời duy trì và cải thiện độ phì đất.
Đến huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm chủ nhiệm HTX Đan Phượng dẫn chúng tôi về xem cơ ngơi vườn tược của mình ở thôn Nhân Hòa. Hiện, gia đình có 5 mẫu đất, trong đó 3 mẫu trồng cà phê, 5 sào trồng tiêu, 4 sào trồng cam. Ông Thông cho hay: “Gần đây, khi dự án VnSat có chương trình hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới, tôi quyết định đăng ký tham gia và lắp đặt toàn bộ cho khu vườn 3 mẫu cà phê. Hệ thống có đồng hồ đo nước và mình chỉ cần dựa vào đó để căn chỉnh cho phù hợp. Mùa khô vừa rồi, để cây ra hoa, nhiều gia đình thức đêm, thức hôm để tưới. Nhưng gia đình tôi có hệ thống tưới và bón phân VnSAT, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức vừa thực hiện chăm bón khoa học, hiệu quả cao”.
Gần 800.000 nông dân được hưởng lợi
Theo Ban điều hành Dự án VnSAT của tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương này, Dự án VnSAT được triển khai ở 35 xã của 8 huyện trọng điểm cà phê. Trong 5 năm qua, dự án đã thành lập, củng cố 40 tổ chức nông dân, trong đó có 7 HTX và 33 THT; xây dựng hàng trăm mô hình tái canh và sản xuất cà phê bền vững; tổ chức gần 400 lớp chuyển giao kỹ thuật cho các HTX, THT; hơn 17.000 lượt hộ nông dân được tham gia các lớp tập huấn, hơn 14.000 ha cà phê thực hiện quy trình canh tác bền vững.
|
Hơn 30.000 ha cà phê được thực hiện canh tác bền vững từ dự án VnSAT
|
Cùng với hỗ trợ kỹ thuật, Dự án VnSAT đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng làm đường giao thông, nhà kho, sân phơi cho các HTX, THT. Hiện, dự án đang triển khai các công trình giai đoạn 2 và đẩy nhanh việc hỗ trợ các tổ chức nông dân mua sắm thiết bị sản xuất.
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) được thực hiện trong 5 năm (2016 - 2020), trên địa bàn 13 tỉnh, gồm 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu của dự án là đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê ở 2 vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Tại khu vực Tây Nguyên, Dự án VnSAT được triển khai với nội dung sản xuất và tái canh cà phê bền vững.
Kết quả tại Tây Nguyên, trong 5 năm qua, dự án VnSAT đã hỗ trợ thành lập, củng cố 142 HTX, THT sản xuất cà phê; đào tạo 45.000 lượt nông dân về canh tác cà phê bền vững; tái canh hơn 16.000 ha cà phê; hơn 51 triệu USD đã được giải ngân cho tái canh cà phê.
Dự án VnSAT thực sự nhiều ý nghĩa ở vùng Tây Nguyên với những hỗ trợ đầu tư thiết bị sản xuất và xây dựng hạ tầng nông thôn. Đã có 20 HTX, THT cà phê được đầu tư giai đoạn 1, và 25 HTX, THT chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2, gồm các hạng mục đường giao thông, nhà kho, sân phơi, máy sấy, máy sơ chế, tưới tiết kiệm. Cũng từ hoạt động của dự án, tình hình canh tác cà phê theo hướng bền vững được thực hiện khá hiệu quả.
Năm 2020, Dự án VnSAT sẽ kết thúc giai đoạn 1. Đoàn khảo sát của WB đã đánh giá, tính chung toàn dự án ở cả hai vùng lúa gạo và cà phê, đã có gần 800.000 người được hưởng lợi trực tiếp; khoảng 85.000 ha lúa và trên 30.000 ha cà phê được thực hiện canh tác bền vững; lợi nhuận ròng cho nông dân vùng trồng lúa tăng 23,4% và vùng cà phê tăng 11,7%.
WB khuyến nghị: thời gian tới, cần lưu chuyển, tăng thêm dòng vốn tín dụng cho tái canh cà phê ở Tây Nguyên; tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực cho các HTX trồng cà phê đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, cần nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm và ứng dụng tự động hóa trong tưới cà phê.
Thoibaokinhdoanh.vn