Theo Kinh tế Sài Gòn Online
Mới đây, Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký, đã được ban hành, với nội dung là một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vùng ĐBSCL.
Trong Chỉ thị 08, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở vùng ĐBSCL. Việc này nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến xuất khẩu.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, đến nay đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu ở ĐBSCL vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
Trong khi đó, báo cáo của Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vụ hè thu 2022, khu vực ĐBSCL đã gieo sạ khoảng 1,492 triệu héc ta, giảm khoảng 17.000 héc ta so với vụ hè thu 2021.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, đó là có đến 69% diện tích sản xuất của vụ hè thu 2022 được gieo sạ các giống chất lượng cao, 15% diện tích sản xuất giống lúa thơm, 8% gieo sạ nếp và chỉ có 8% diện tích gieo sạ các giống lúa chất lượng trung bình.
Với diện tích sản xuất (1,492 triệu héc ta) cũng như tỷ lệ diện tích gieo sạ giống lúa chất lượng cao như nêu ở trên (69%), thì tổng diện tích sản xuất giống lúa chất lượng cao ở ĐBSCL trong vụ hè thu 2022 đã vượt con số 1 triệu héc ta (1,029 triệu héc ta), tức đã vượt mục tiêu 1 triệu héc ta được Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai.
Trong cuộc trao đổi với KTSG Online, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, cho biết bên cạnh việc sử dụng giống lúa chất lượng cao, đề án 1 triệu héc ta còn xác định yêu cầu áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm” hoặc “3 giảm 3 tăng”, các kỹ thuật canh tác làm giảm phát thải khí nhà kính, kỹ thuật canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam), GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế), hữu cơ hoặc theo quy định của quốc gia nhập khẩu.
Theo ông Tùng, khi tuân thủ mỗi tiêu chuẩn như nêu trên, sản phẩm đều phải đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và mục tiêu giảm giá thành sản xuất. Hai yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có lợi thế trên thị trường quốc tế khi tham gia đấu thầu cũng như giới thiệu sản phẩm (biết được vùng sản xuất ở đâu, đạt tiêu chuẩn gì, sản lượng bao nhiêu…).