Theo VOV
Vụ lúa hè thu năm nay nông dân tỉnh Vĩnh Long xuống giống hơn 41.000 ha. Những trà lúa xuống giống sớm đang được thu hoạch với năng suất đạt gần 6 tấn/ha.
Theo phản ánh của bà con nông dân, năm nay do vật tư nông nghiệp như phân bón và giá thuê máy thu hoạch tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất lúa của bà con cũng tăng lên từ 15 đến 20% nên lợi nhuận không nhiều. Bà con nông dân tỉnh Vĩnh Long mong muốn giá lúa tăng tương ứng để giảm bớt khó khăn như hiện nay.
ĐBSCL là khu vực sản xuất lúa lớn nhất cả nước
Anh Lê Phước Anh, một nông dân ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ông cho biết: "Nói chung nông dân làm ruộng trông cậy vào giá cả, nếu giá lúa tăng cao chút ít thì nông dân đỡ".
Tại Cần Thơ, vụ lúa Hè Thu năm nay, nông dân xuống giống hơn 73.000 ha, đạt 102% kế hoạch, trong đó tỷ lệ sử dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ chiếm trên 90% diện tích. Do gieo sạ tập trung đồng loạt trên từng cánh đồng nên các trà lúa cũng được thu hoạch tập trung và đồng loạt tại nhiều nơi. Năng suất đạt gần 5,7 tấn/ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Anh Nguyễn Thanh Điền nông dân ở ấp Thới Hòa A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho biết, việc tiêu thụ lúa thuận lợi, mỗi công lúa sau khi trừ chi phí lời từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/công. Anh Điền mong muốn tới đây giá lúa có sự khởi sắc hơn và giá phân bón cùng các loại vật tư đầu vào được kéo giảm để đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa có lời.
Nông dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch lúa
"Tôi làm 10 công đất, vụ này giá lúa ở đây bán được 5.700 đồng/kg, giá phân, giá thuốc cao, giá xăng tăng khiến máy gặt đập liên hợp cũng lên giá theo, thành ra nông dân làm không có lãi. Mong vụ thu đông sắp tới nhà nước ổn định, cân bằng giá phân, xăng dầu cho bà con bớt khổ" - anh Nguyễn Thanh Điền chia sẻ.
Còn nông dân Nguyễn Thành Tâm ở ấp Đông Giang A, xã Đông Bình, huyện Thới Lai chia sẻ, nông dân đều bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái và các doanh nghiệp ngay sau thu hoạch; lúa thu hoạch tới đâu được tiêu thụ ngay tới đó, giá bán được thỏa thuận với thương lái và các đơn vị, doanh nghiệp trước khi hoạch lúa từ 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, với giá bán lúa tươi tại ruộng từ 5.700 - 6.300 đồng/kg, một số giống lúa thơm, chất lượng cao được thu mua với giá 6.500 đồng/kg nhưng lời không nhiều so với những năm trước đây.
Cũng theo anh Tân: "Vụ hè thu tôi làm OM 5451 được hơn 7 tần/công, lợi nhuận không được như ý muốn, đất nhà thì hòa vốn, còn những người đất mướn thì lỗ. Tôi mua phân cao hơn vụ hè thu các năm trước, quá cao so với các năm vừa qua nên người dân chúng tôi không có thu nhập cao".
Giá lúa hiện vẫn chưa hấp dẫn
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành 4, tỉnh Vĩnh Long cho biết, giá gạo xuất khẩu ổn định, không có biến động gì nhiều so với trước đây. Hiện nay, giá xuất khẩu đối với gạo 5% tấm từ 430 – 440 USD/tấn, đối với Đài Thơm, OM18 được xuất khẩu với giá từ 470 – 480 USD.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu gạo ổn định là do chất lượng gạo của Việt Nam tăng cao; người dân tập trung sản xuất theo quy trình bền vững, canh tác giống lúa chất lượng cao để đáp ứng các tiêu của các đối tác.
Vấn đề lớn nhất của người dân hiện nay là giá vật tư tăng cao, khiến thu nhập giảm. Ông Nguyễn Văn Thành nhìn nhận, doanh nghiệp xuất khẩu gạo tập trung xây dựng thương hiệu, chú trọng, đầu tư và sự kết nối, hợp tác chặt với các đối tác nhập khẩu. Mặt khác, phải tối ưu hóa các khâu, từ đó mới đảm bảo giá thu mua cho nông dân.
Nông dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch lúa
Ông Thành lý giải: "Vụ hè thu được lợi một cái là giá lúa cao hơn, do vỏ trấu hiện nay bán được từ 2.100 - 2.300 đông/kg, thay vì có 700 đồng/kg như trước. Nhờ được cái đó tôi thu mua cao hơn so với năm trước, cùng giá gạo như vậy nhưng giá trấu cao thành ra mình bù lại vấn đề chi phí rất lớn".
Vụ hè thu năm nay vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,5 triệu ha với sản lượng ước đạt khoảng 9 triệu tấn. Nông dân ĐBSCL hy vọng giá lúa sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới đề bù đắp cho các chi phí sản xuất tăng cao như hiện nay./.