Theo Kinh tế Sài Gòn Online
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng các địa phương xây dựng đề án sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để phục vụ xuất khẩu.
Để việc triển khai chủ trương này được thuận lợi và thành công, theo ý kiến một số doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cần nhìn nhận lại những thất bại của mô hình cánh đồng lớn – một mô hình cũng từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản ngành hàng lúa gạo Việt Nam cách đây hơn 10 năm.
Thất bại của mô hình cánh đồng lớn
Theo số liệu báo cáo của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ đông xuân 2020-2021, diện tích thực hiện mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL đạt 160.000 héc ta, giảm 10.000 héc ta so với cùng kỳ. Đây cũng không phải là lần đầu tiên mô hình cánh đồng lớn được ghi nhận sụt giảm về diện tích.
Trong một lần trao đổi với KTSG Online liên quan đến chủ đề mô hình cánh đồng lớn ngày càng “teo tóp”, ông Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết nội hàm của cánh đồng lớn là gom đất liền canh để thực hiện cơ giới hóa, canh tác theo một quy trình chất lượng. “Đây là điều tốt”, ông nói, nhưng cho rằng thực tế không thực hiện được. “Ở tỉnh An Giang, tôi biết ban đầu địa phương ra chỉ tiêu diện tích cánh đồng lớn phải có quy mô ít nhất 300 héc ta. Thế nhưng, sau mấy năm không thành công, đã được điều chỉnh giảm còn 50 héc ta”, ông dẫn chứng.
Sau hơn 10 năm thực hiện, hàng loạt lý do dẫn đến phá vỡ mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong mô hình được xem là kiểu mẫu ở ĐBSCL đã xảy ra.
Một vị lãnh đạo Sở Công Thương của một địa phương ở ĐBSCL trao đổi với KTSG Online, cho rằng cánh đồng lớn là thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người nông dân, nhưng mối liên kết này rất dễ bị phá vỡ. “Ví dụ, lúa tới ngày này thu hoạch, thay vì doanh nghiệp bao tiêu đúng như cam kết, thì lại lùi thời gian thu hoạch 3-4 ngày. Lúc đó, lúa khô ngay trên đồng, người nông dân không đồng ý dẫn đến phá vỡ hợp đồng, nông dân mất lòng tin”, ông nói.
Ngược lại, có trường hợp giá lúa thị trường khi thu hoạch tăng 200-300 đồng/kg, cao hơn giá doanh nghiệp cam kết bao tiêu cho nông dân, thì nông dân “bẻ kèo” bán bên ngoài, dẫn đến mối quan hệ liên kết thất bại.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV, nhấn mạnh: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn hay cánh đồng lớn thật sự đến giờ này chỉ làm thí điểm rồi bỏ qua, chứ không thành công”.
Theo ông Thành, việc ký kết hợp đồng liên kết với từng hộ gia đình có nhiều rủi ro và rất khó khăn. Bởi, ký như vậy, rất dễ xảy ra mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người nông dân. “Lúa lên nông dân bán ra ngoài, trong khi lúa giảm thì doanh nghiệp kéo dài thời gian thu hoạch, mua lúa cho nông dân. Lúc đó, truyền thông vào cuộc, trong khi doanh nghiệp sợ mang tiếng rồi không dám làm”, ông dẫn chứng và cho rằng việc ràng buộc không rõ ràng giữa doanh nghiệp và nông dân cũng là nguyên nhân.
Về việc này, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An khi chia sẻ với KTSG Online, cho rằng thất bại của mô hình là do thiếu nguồn lực. “Ví dụ, xây dựng cánh đồng lớn quy mô 10.000 héc ta, tức có khoảng gần 100.000 tấn lúa khi thu hoạch, thì cần số vốn thu mua lúa cho nông dân là rất lớn, trong khi trong vòng 1-2 tháng, doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn đó”, ông nói.
Ngoài ra, theo ông Bình, với 10.000 héc ta diện tích bao tiêu, phải đầu tư rất nhiều cho hệ thống máy sấy lúa, kho chứa, phương tiện vận chuyển, trong khi doanh nghiệp bị hạn chế, thậm chí năng lực yếu, cũng là lý do phải bỏ cánh đồng lớn, quay lại hình thức “có tiền đến đâu thu mua xuất khẩu đến đó”.
Ông Chín thì lý giải rằng doanh nghiệp thực hiện quy mô quá lớn, ngoài việc phải chịu áp lực về quản lý, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, thì việc bị động trong tiêu thụ hay nói cách khác phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nhập khẩu là mấu chốt dẫn đến thất bại. Vì vậy, họ quay lại cách làm truyền thống. “Ví dụ, doanh nghiệp khi có hợp đồng xuất khẩu mấy ngàn tấn thì liên hệ thương lái. Đưa ra yêu cầu chủng loại, số lượng, thời điểm giao nhận, thì thương lái cung cấp được ngay”, ông Chín nói. Với cách này, doanh nghiệp không phải chịu những áp lực như trên.
Bài toán cho một triệu héc ta lúa chất lượng cao
Vị lãnh đạo Sở Công Thương của một địa phương ở ĐBSCL như nêu ở trên cho rằng việc sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu đòi hỏi phải có sự bắt tay giữa doanh nghiệp với đại diện của nông dân là hợp tác xã và canh tác theo quy trình kỹ thuật doanh nghiệp đưa ra, chứ không phải tính bằng cách cộng diện tích của tất cả các hộ nông dân sản xuất “giống lúa chất lượng cao” như OM 18, Đài Thơm 8, Jasmine… “Nội hàm sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất là phải tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng theo yêu cầu thị trường, chứ không phải là chuyển từ giống IR 50404 sang Jasmine”, vị này giải thích.
Chính vì vậy, cần phải có liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong hiện thực hóa mục tiêu vừa được Chính phủ giao. “Vậy, làm sao để mối liên kết này tránh rơi vào tình cảnh tương tự như mô hình cánh đồng lớn?”.
Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương phát triển công nghiệp với địa phương chuyên trồng lúa.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Phước Thành IV, cho rằng áp lực thu hoạch lúa ở ĐBSCL là rất lớn, thường chỉ sau 30-60 ngày dứt điểm một mùa vụ. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp liên kết, bao tiêu, cho nên cần đầu tư vào hợp tác xã để những đơn vị này “chia sẻ” khâu sấy, lưu trữ tại địa phương thay vì tất cả đưa về nhà máy như hiện nay. “Đây là cách để giữ được vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp đã ký kết”, ông cho biết. Theo ông, việc ký kết hợp tác phải thực hiện với hợp tác xã chứ không thể ký với từng hộ nông dân.
Chính vì vậy, cách thức hỗ trợ cũng phải thay đổi, mà cụ thể quy về một đầu mối là doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư cho các hợp tác xã. “Đây là cách thức để giải quyết khâu sấy, trữ lúa và khi nào nông dân cần bán ra thì doanh nghiệp sẽ mua bằng giá thương lượng”, ông cho biết.