Theo Người lao động
Thế giới đang xảy ra khủng hoảng lương thực làm cho giá các loại ngũ cốc như: lúa mì, bắp, đậu tương... hiện đã tăng từ 30%-50% so với cuối năm 2021. Các chuyên gia nông nghiệp Liên Hiệp Quốc dự báo giá gạo cũng được hưởng lợi nhưng thực tế thị trường không diễn ra như vậy.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022 cả nước xuất khẩu gần 2,77 triệu tấn gạo, tương đương hơn 1,35 tỉ USD, tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị. Nguyên nhân chủ yếu là do giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm chỉ đạt 489 USD/tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 từ năm 2019, xung đột Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng đã đẩy giá vật tư tăng cao. Trong đó, tăng mạnh nhất là phân bón hóa học như: phân urê tăng 136%-143%, phân DAP tăng 143%-164%, kali tăng 180%-200% so với tháng 12-2021. Giá thuốc bảo vệ thực vật dù tương đối ổn định nhưng vẫn tăng ở nhóm hoạt chất thuốc trừ cỏ không chọn lọc và thuốc trừ sâu. Những yếu tố này làm giá thành sản phẩm nông nghiệp cũng tăng theo.
Thu hoạch lúa tại An Giang. Ảnh: AN NA
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), nói dù có tin đồn Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ tạm ngừng xuất khẩu gạo, tương tự như việc họ đã làm với lúa mì nhưng dân trong ngành cho rằng điều này khó xảy ra vì năm nay Ấn Độ được mùa lúa gạo, trữ lượng dư thừa phải bán ra.
"Thị trường gạo gần đây ổn định do dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và hàng hóa lưu thông gần như bình thường trở lại. Điều này khiến cho giá gạo trong tháng 6 chỉ tương đương năm 2021 và thấp hơn giai đoạn 2019-2020 đến 40-50 USD/tấn. Trước đây, Trung Quốc nhập khẩu gạo rất nhiều nhưng họ dần tự chủ lương thực, giá gạo nội địa của họ cũng không cao hơn gạo Việt Nam nhiều nên nhu cầu nhập khẩu thấp.
Giá đầu ra đứng yên trong khi chi phí sản xuất gạo của nông dân, chi phí vận hành của doanh nghiệp (DN) gạo lại tăng vọt khiến cho người trồng lúa mất lãi còn DN cũng phải điều hành hết sức khéo léo mới bảo đảm huề vốn hoặc lãi nhẹ" - ông Thành nhận định.
Đại diện một DN xuất khẩu gạo tại TP HCM cho hay ngành gạo rất kỳ vọng giá tăng bởi nếu cứ duy trì mức giá như hiện nay sẽ rất thiệt thòi cho người nông dân. "Còn DN, họ sẽ tự tính toán kinh doanh vì bản chất họ cũng chỉ làm dịch vụ xuất khẩu. So với Ấn Độ và Thái Lan thì Việt Nam không phải nước xuất khẩu gạo lớn nên chưa đủ sức để "làm giá", đẩy giá gạo lên theo hướng có lợi cho nông dân" - đại diện DN này nhìn nhận.
Tuy vậy, áp lực chi phí cao cũng khiến nhiều DN gạo phải điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh chứ không còn kỳ vọng lớn như hồi đầu năm. Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm gần 6 lần so với mục tiêu lãi 600 tỉ đồng đề ra hồi đầu năm; Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang cũng dự kiến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 giảm một nửa doanh thu, còn lợi nhuận sau thuế giảm hơn 2/3 so với con số được thông qua ở phiên họp đại hội cổ đông thường niên trước đó.
Theo chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), giá gạo hiện nay phản ánh cán cân cung - cầu. "Lúa mì, bắp... chịu tác động trực tiếp bởi xung đột Nga - Ukraine, không phải do cung - cầu trong khi gạo ít bị tác động. Theo tôi, xu hướng đi ngang của giá gạo vẫn còn tiếp tục; còn giá lúa mì, bắp... sẽ giảm khi lệnh phong tỏa của phương Tây lên Nga được gỡ bỏ" - ông Nguyễn Đình Bích nhận định.
Ngày 20-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nông dân Trần Văn Minh (ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) than vãn: "Giá bán lúa năm nay tương đương năm rồi chứ không tăng như người ta nói. Tôi vừa thu hoạch 10 công lúa giống OM 18, bán với giá 5.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lời khoảng 1,5 triệu đồng/công. Năm nay giá phân bón tăng cao, đặc biệt khi giá xăng tăng thì kéo theo mọi thứ cũng tăng theo, trong đó có mặt hàng vật tư nông nghiệp. Vì vậy, năm nay nông dân không lời nhiều".
Còn thương lái Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho hay các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa hè thu nhưng ông không mặn mà với việc đi thu mua. "Giá xăng dầu tăng cao quá nên tôi ngại đưa ghe đi mua lúa. Chưa kể, mỗi lần đi phải tốn thêm tiền thuê đội bốc vác theo. Hơn nữa, giá lúa nhiều tuần nay vẫn ổn định, không tăng lên cũng là lý do tôi ngại đi. Vụ này nông dân có đất sẵn thì huề, còn ai thuê đất trồng lúa coi như cầm chắc lỗ" - ông Lý nói.