Điểm sáng tái canh cà phê
Lâm Đồng là địa phương có diện tích cà phê khá lớn với hơn 174.000 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 3,1 tấn/ha. Cũng chính vì vậy mà diện tích cà phê cần tái canh của tỉnh cũng là con số không phải nhỏ.
Theo kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2013 đến năm 2020, tổng diện tích cà phê cần tái canh trên địa bàn tỉnh là gần 65.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12/2018 Lâm Đồng đã thực hiện tái canh hơn 54.000 ha (đạt 83,96 %). Vì thế, địa phương được đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê, nhất là việc sử dụng công nghệ ghép cải tạo.
Lâm Đồng-tỉnh thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê, nhất là việc sử dụng công nghệ ghép cải tạo. Ảnh: DV
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, sau 6 năm thực hiện, chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số hiệu quả như: trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, giảm diện tích sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,6 tấn/ha năm 2012 tăng lên 3,1 tấn/ha năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Sơn-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, sở dĩ địa phương đạt được kết quả tái canh cây cà phê hiệu quả như vậy do sử dụng giống cà phê được chọn lọc từ các giống địa phương đang sản xuất cho năng suất cao, chất lượng tốt như Thiện trường, Hữu thiên, Xanh lùn. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thành công gói hỗ trợ tín dụng cho vay trong chương trình tái canh cà phê của ngân hàng Agribank với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn.
Nhiều giống cà phê có năng suất cao, chất lượng tốt được sử dụng trong tái canh. Ảnh: DV
Đặc biệt, việc ghép cải tạo có ưu điểm không làm giảm năng suất hoặc giảm ít so với năm thực hiện, năng suất ổn định ngay năm sau ghép, những năm sau đó cho năng suất cao hơn gấp nhiều lần. Đây là một trong những biện pháp kỹ thuật tạo nên sự thành công trong chương trình tái canh tại Lâm Đồng.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một số diện tích đã được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận và nhận diện thương hiệu. Cụ thể, chứng nhận Rainforest Alliance với hơn 21.000ha, chứng nhận 4C với diện tích hơn 53.000ha… Đặc biệt, với nhãn hiệu “cà phê Di Linh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, Cà phê chè Arabica Langbiang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền.
VnSAT - thay đổi tư duy người dân
Người dân được tập huấn, hỗ trợ để thay đổi tư duy sản xuất truyền thống. Ảnh: DV
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Minh-Phó Giám đốc ban quản lý dự án VnSAT Lâm Đồng cho biết, mục tiêu chung của dự án là làm sao thay đổi được tư duy sản xuất của người dân. Cũng từ những buổi tập huấn, học tập kinh nghiệm thực thế thì người dân sẽ thay đổi được thói quen sản xuất truyền thống nhằm hướng tới tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào. Đặc biệt, dự án giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững.
Tại tỉnh Lâm Đồng, dự án VnSAT được thực hiện tại 8 huyện/thành phố và 35 xã/ phường với tổng diện tích 16.500ha cùng 15.000 hộ nông dân. “Đến thời gian hiện tại thì chúng ta chưa thể có kết quả chính xác nhất so với mục tiêu mà đề án đề ra bởi chúng tôi mới thực hiện được hơn 2 năm. Dự án đã tổ chức tập huấn cho người dân và hỗ trợ vốn cho họ tái canh, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chưa thể có kết quả ngay”, ông Minh cho biết.
Dự án VnSAT Lâm Đồng được thực hiện tại 8 huyện/thành phố và 35 xã/phường. Ảnh: DV
Cụ thể, đến tháng 5/2019, toàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 210 lớp tập huấn nông dân về sản xuất cà phê bền vững cho 7.671 lượt nông dân, diện tích 7.269 ha. Qua đó, kết quả đánh giá mức độ áp dụng sau đào tạo (đánh giá năm 2018) đạt 4.579 ha/8.000 ha, đạt 57%). Ngoài ra, dự án còn thực hiện được 67 mô hình sản xuất cà phê bền vững với 52ha.
Hiện nay, tại Lâm Đồng nhiều diện tích đã được người nông dân áp dụng các công nghệ tưới như phun sương, nhỏ giọt. Đặc biệt dự án đang xây dựng chương trình tưới thông minh để giới thiệu đến các hộ sản xuất. Với công nghệ này, các hộ dân sẽ làm việc trực tiếp trên điện thoại thông minh để tưới đúng và đủ cho vườn của mình.
Việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm sẽ giúp người dân giảm được chi phí đầu vào. Ảnh: DV
Việc áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm, Lâm Đồng được phân bổ 400 ha trong số 2.000 ha của 5 tỉnh Tây Nguyên. Đến nay, địa phương đã hoàn tất lắp đặt và vận hành 3ha tại xã Nam Hà (huyện Lâm Hà). Trong năm 2019, Lâm Đồng sẽ lắp đặt cho khoảng 125ha, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt danh sách 14 hộ, TCND đang làm thủ tục mua sắm.
Ông Minh cho biết: “Nhờ VnSAT người nông dân trồng cà phê đã tăng lợi nhuận lên 9,34% so với mục tiêu là 20%. Tuy nhiên, do 2 năm gần đây, giá cà phê xuống thấp, việc tiết kiệm chi phí đầu vào không bù đắp được việc cà phê rớt giá, vì vậy khả năng dự án không đạt được mục tiêu tăng lợi nhuận 20%. So với 5 tỉnh Tây Nguyên thì Lâm Đồng có các chỉ số ra của dự án là tương đối tốt”.
Theo báo thế giới tiếp thị