Cập nhật ngày:
11 | 05 | 2019
Tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay, giá cà phê Robusta nhân chỉ còn ở mức 29.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tình trạng này đã khiến các hộ trồng cà phê trên địa bàn thua lỗ nặng.
Mặc dù vụ thu hoạch cà phê đã chấm dứt từ tháng 1-2019, nhưng từ tháng 3 đến nay, giá cà phê liên tục lao dốc. Nhiều hộ nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn bởi tiền bán cà phê không đủ bù chi phí đầu tư chăm sóc, thu hái, đặc biệt là trong bối cảnh hàng loạt vật tư thiết yếu đầu vào của ngành cà phê như điện, xăng, dầu, phân bón tăng mạnh.
Ông Dương Quang Sơn, 60 tuổi, ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết, gia đình ông canh tác hơn 2 hécta cây cà phê. Trung bình mỗi hécta phải đầu tư 25-30 triệu đồng tiền phân, khoảng 5 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật, thuê người thu hái 1.000 đồng/kg cà phê tươi, cộng với tiền xăng dầu, điện, công chăm sóc… Mỗi hécta trung bình thu được từ 3,5-4 tấn cà phê nhân. Năm 2018, giá cà phê nhân dao động ở mức từ 35.000-38.000 đồng/kg thì người nông dân còn có lãi. Với mức giá xuống thấp kỷ lục như năm nay thì các hộ nông dân đều thua lỗ hàng chục triệu đồng/ha.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân giá cà phê Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng liên lục giảm, bởi Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, được mùa, khiến nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa.
Nhằm hạn chế rủi ro cho người trồng cà phê, thời gian qua, chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích; tăng cường xen canh cây cà phê với một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bơ, măng cụt, mắc-ca…; nâng cao chất lượng thu hái, bảo quản và chế biến nhằm gia tăng chất lượng và giá trị cà phê.
Theo báo Hà Nội Mới