Theo nongnghiep.vn
Ngày 14/11 (giờ địa phương), Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn một năm đối với EUDR. Đề xuất này nhận được 371 phiếu thuận và 240 phiếu chống.
Theo quyết định mới, các doanh nghiệp lớn và các nhà điều hành sẽ có thời hạn đến ngày 30/12/2025 để tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ được gia hạn đến ngày 30/6/2026.
Trước đó, vào tháng 10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hoãn thực thi EUDR thêm 12 tháng, tức đến tháng 12/2025. Đề xuất này được đưa ra sau khi nhận được các phản ánh từ 20 quốc gia thành viên EU cùng một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp toàn cầu, cũng như các quốc gia xuất khẩu lớn như Brazil, Indonesia, và Hoa Kỳ.
Đề xuất của EC không thay đổi nội dung cốt lõi của luật, do đó đã nhận được sự ủng hộ từ các chính phủ thành viên trong EU.
Tại Nghị viện châu Âu, một cuộc bỏ phiếu sít sao đã thông qua việc thêm danh mục “không rủi ro”, cho phép áp dụng các biện pháp kiểm soát nới lỏng hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia này. Điều này làm tăng thêm sự bất định về cách thực thi EUDR, bởi các nhà lập pháp EU sẽ cần đàm phán với các chính phủ để đạt được sự đồng thuận cuối cùng.
Quyết định này được đưa ra nhằm phản hồi những lo ngại từ một số quốc gia thành viên EU, các doanh nghiệp và các quốc gia đối tác ngoài EU. Tuy nhiên, việc hoãn thực thi EUDR cũng gây ra nhiều tranh cãi khi được cho là làm chậm tiến trình bảo vệ rừng và giảm tác động môi trường.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), động thái này tạo điều kiện cho nạn phá rừng tiếp tục diễn ra, không chỉ ở châu Âu mà còn ở các khu vực khác trên thế giới. Hoãn EUDR còn gây tổn hại đến các doanh nghiệp tiến bộ, thời gian qua đã đầu tư vào chuỗi cung ứng không phá rừng để đáp ứng yêu cầu của EUDR.
Bà Anke Schulmeister-Oldenhove, Giám đốc Chính sách Lâm nghiệp tại Văn phòng Chính sách Châu Âu của WWF, bày tỏ sự thất vọng: “Năm ngoái, Đảng Nhân dân châu Âu đã áp đảo ủng hộ EUDR. Giờ đây, họ lại liên minh với các phe phái cực hữu, đặt lợi ích chính trị lên trên hành động vì khí hậu, mở đường cho việc bãi bỏ quy định, đồng thời bỏ qua những lời kêu gọi bảo vệ rừng của công dân và doanh nghiệp có trách nhiệm".
Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29), một số nhóm vận động vì môi trường kêu gọi Ủy ban rút lại đề xuất trì hoãn luật.
EUDR yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp chỉ được nhập khẩu vào châu Âu từ các quốc gia chưa khai thác các mặt hàng này trên đất rừng bị phá từ ngày 31/12/2020. Luật này cũng áp dụng với các nhà sản xuất của châu Âu.
Quỳnh Chi