VnSAT Logo

Dự án "Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" (VnSAT), mã số Cr. 5704-VN với tổng số vốn tương đương 301 triệu USD, bao gồm 237,292 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế Giới (WB), 28.788 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ, 35 triệu USD từ vốn tư nhân. Dự án được thực hiện từ năm 2015-2020 tại 13 tỉnh gồm 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang. Các cơ quan quản lý, thực hiện dự án tại trung ương gồm Ban quản lý dự án Trung ương (CPMU), Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Mục tiêu phát triển của dự án là góp phần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc tăng cường năng lực thể chế của Ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là vùng ĐBSCL và Tây Nguyên.

            Dự án bao gồm các hợp phần sau:

Hợp phần A: Tăng cường thể chế để hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp

Mục tiêu của hợp phần nhằm tăng cường năng lực, thể chế cho các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Nông Nghiệp và PTNT, các tỉnh tham gia dự án, các đối tác và mạng lưới trong chuỗi giá trị (bao gồm cả ngân hàng).Hợp phần này do Vụ Kế hoạch trực tiếp triển khai thực hiện bao gồm 3 tiểu hợp phần sau: (i) tăng cường năng lực cho Bộ Nông nghiệp và PTNT; (ii) tăng cường năng lực cho cấp tỉnh; và (iii) tăng cường năng lực cho các đối tác và mạng lưới chuỗi giá trị.

Hợp phần B: Hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững

Mục tiêu của hợp phần là hỗ trợ tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa. Hợp phần này thực hiện ở các vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo tại 8 tỉnh ĐBSCL. Các hoạt động chính của hợp phần: (i) Hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất lúa gạo và quản lý tiên tiến; (ii) Hỗ trợ đầu tư tư nhân vào công nghệ và thiết bị chế biến lúa gạo; (iii) Nâng cao hiệu quả dịch vụ công nhằm tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của dự án.

Hơp phần C: Hỗ trợ sản xuất và tái canh cà phê bền vững

Mục tiêu của hợp phần này là giúp tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững. Dự án hỗ trợ chương trình đào tạo kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê để giúp nông dân áp dụng công nghệ canh tác mới bền vững, cải thiện dịch vụ ngoài nhà nước để giúp nông dân tái canh cà phê bền vững, hiệu quả cao, cải thiện chất lượng dịch vụ công để hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ một cách hiệu quả cho nông dân, cung cấp tín dụng cho nông dân.

Hợp phần D: Quản lý, giám sát và đánh giá dự án

Mục tiêu: Nhằm tổ chức, theo dõi, quản lý và kiểm tra giám sát các hoạt động của dự án đảm bảo đạt mục tiêu và chất lượng. Dự án cũng cung cấp kinh phí để thuê kiểm toán độc lập để tiến hành kiểm toán cho toàn dự án. Hợp phần này có 2 tiểu hợp phần: (i) quản lý dự án và (ii) giám sát và đánh giá

Trong khuân khổ hoạt động của dự án Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao xây dựng website cung cấp thông tin thị trường về ngành hàng lúa gạo và cà phê. Với mục tiêu giúp minh bạch hóa thông tin, góp phần kết nối về thông tin trong chuỗi sản xuất của 2 ngành hàng cà phê và lúa gạo. Đồng thời, góp phần cho sự phát triển bền vững của 2 mặt hàng này.

Trang Website kỳ vọng sẽ giúp các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo và cà phê bao gồm: nhà quản lý, nông dân, doanh nghiệp, thương lái….có thể tiếp cận được các thông tin về thực trạng sản xuất, thông tin biến động giá cả, thị trường, xuất nhập khẩu và chính sách của ngành.

Các nội dung dự kiến:

·         Các tin tức thị trường trong nước

·         Thống tin biến động thị trường quốc tế

·         Thông tin xuất khẩu, nhập khẩu

·         Chính sách ngành

·         Doanh nghiệp

·         Hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp

·         Tra cứu cơ sở dữ liệu

·         Bản tin phân tích chuyên sâu (tuần, tháng)

·         Báo cáo phân tích (Quý, năm, chuyên đề)