Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh
Theo Bloomberg, các nhà kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới hiện đang chấp nhận một rủi ro mới: bán cà phê không liên quan đến phá rừng cho châu Âu, dù các quy định cuối cùng vẫn chưa được ban hành.
Theo giới thạo tin, các công ty như Sucafina SA, Ecom Agroindustrial Corp., Louis Dreyfus Co. và Cofco International Ltd. đã ký kết các thỏa thuận bán cà phê đảm bảo tuân thủ quy định mới về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Các nhà giao dịch tin tưởng rằng nguồn cung từ những nước sản xuất hàng đầu như Brazil và Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu này.
Các thỏa thuận được thực hiện dù EU vẫn chưa cung cấp chi tiết về các tài liệu cần thiết để các quốc gia tuân thủ quy định. Điều này có nghĩa là các nhà giao dịch đang phải chịu thêm rủi ro, nhưng cũng cho thấy các công ty tự tin rằng dòng chảy cà phê sẽ không bị gián đoạn, ngay cả khi yêu cầu trì hoãn quy định của Brazil và Đức không được chấp thuận.
Quy định chống phá rừng của EU sẽ có hiệu lực vào tháng 12. Quy định này yêu cầu các nhà nhập khẩu chứng minh rằng các mặt hàng như cà phê, thịt bò, ca cao và gỗ không góp phần gây phá rừng. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Đức kêu gọi trì hoãn 6 tháng do thiếu chi tiết thực hiện quy định. Brazil và Indonesia cũng đã phản đối quy định này.
Theo nguồn tin, các thỏa thuận này được ký bởi StoneX và một đơn vị của Olam Group Ltd., liên quan đến cà phê được sản xuất tại Brazil và Việt Nam. Loại cà phê đáp ứng yêu cầu EUDR này được bán với mức giá cao hơn từ 3 đến 5 cent so với giá hợp đồng tương lai giao dịch tại New York, dành cho các lô hàng giao trong năm sau.
Dù một số sản phẩm từ Brazil như gia súc và đậu nành có liên quan đến sự suy thoái rừng Amazon, nhưng cà phê lại được trồng ở những vùng xa khu vực đó. Bang Minas Gerais ở phía đông nam Brazil là nơi trồng cà phê lớn nhất của quốc gia này.
Ecom cho biết họ đang "tập trung vào việc sẵn sàng" cho các quy định sắp tới. Cofco cho biết mảng kinh doanh cà phê của họ đang thử nghiệm với khách hàng EU để chuẩn bị cho việc thực hiện EUDR, tuy nhiên vẫn cần thêm sự hướng dẫn từ khối này. Sucafina xác nhận đã thực hiện các giao dịch tuân thủ EUDR.
Ofi, thuộc tập đoàn Olam, Dreyfus và StoneX từ chối bình luận.
Sự mơ hồ về việc các nhà giao dịch có tuân thủ quy định hay không đã khiến người mua đổ xô tích trữ cà phê từ đầu năm nay. Hiện nay, các nhà xuất khẩu đang xây dựng quy trình mới để đảm bảo hàng hóa tiếp tục được lưu thông.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu Brazil (Cecafé) và công ty dữ liệu Serasa Experian đã ra mắt một nền tảng giúp các nhà xuất khẩu kiểm tra xem cà phê có được trồng trên đất rừng bị phá hay không. Hệ thống này sử dụng dữ liệu về vị trí trang trại từ một cơ sở đăng ký của chính phủ gọi là CAR.
Sàn giao dịch liên lục địa (ICE), nơi giao dịch hợp đồng tương lai và quyền chọn cà phê, hiện cũng đang thử nghiệm một nền tảng hợp tác với Meridia Land B.V. và Space Intelligence.
H.Mĩ