Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh
Doanh thu xuất khẩu cao kỷ lục
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn, tương đương giá trị kim ngạch hơn 4,3 tỷ USD, giảm 11,7% về lượng nhưng tăng 38,7% giá trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù sản lượng giảm nhưng nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 4,24 tỷ USD đạt được trong cả năm 2023, và thiết lập mốc kỷ lục mới.
Như vậy, kết thúc niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,47 triệu tấn cà phê, giảm 11,3% so với niên vụ trước.
Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ vừa vẫn tăng tới 33%, lên mức 5,42 tỷ USD - cao nhất trong lịch sử. Do được thúc đẩy bởi giá cà phê xuất khẩu cao hơn gần 50% so với niên vụ trước, đạt bình quân 3.673 USD/tấn.
Cà phê hiện là nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tính riêng trong tháng 9 vừa qua, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 5.469 USD/tấn - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta toàn cầu tăng mạnh là yếu tố chính khiến cho giá cà phê liên tục tăng cao và lập đỉnh mới trong niên vụ 2023-2024. Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới được cho là đã hưởng lợi từ xu hướng này.
Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024, với khối lượng đạt 562.601 tấn, trị giá 2 tỷ USD, so với niên vụ trước giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 41,1% về kim ngạch, chiếm 38,1% khối lượng và 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Trong đó, Đức, Italy và Tây Ban Nha là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt lần lượt là 607,1 triệu USD, 416,6 triệu USD và 412,6 triệu USD, tăng 37,1%, 29,6% và 74,6% so với niên vụ trước.
Xuất khẩu sang thị trường lớn tiếp theo là Nhật Bản cũng tăng 38,4% về kim ngạch dù lượng giảm 0,3%; Nga tăng 20% về kim ngạch dù lượng giảm 20,3%.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường trong khu vực châu Á như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… tăng rất mạnh cả về lượng và kim ngạch so với niên vụ trước.
Ngược lại, các thị trường ở khu vực châu Mỹ như: Mỹ, Mexico, Chile, Canada lại giảm mạnh cả lượng và kim ngạch.
Giá cà phê biến động mạnh đầu niên vụ 2024-2025
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bước vào niên vụ cà phê 2024-2025 (tháng 10/2024 đến tháng 9/2025). Tuy nhiên, giá cà phê tại Tây Nguyên lại giảm đáng kể từ đầu tháng 10 đến nay.
Tính đến ngày 14/10, giá cà phê robusta trong nước được giao dịch trong khoảng 113.000 – 113.600 đồng/kg, mức thấp nhất trong 5 tháng qua và giảm 8,4% so với một tháng trước.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 11 trên sàn London được giao dịch ở mức 4.826 USD/tấn, giảm 12,7% so với mức kỷ lục 5.527 USD/tấn đạt được vào ngày 27/9.
Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 12 cũng giảm khoảng 8% kể từ cuối tháng 9 đến nay, xuống còn 252,05 US cent/pound.
Giá cà phê hạ nhiệt sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày 2/10 thông báo đã đề xuất tạm hoãn một năm việc thực hiện quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến phá rừng (EUDR).
Trong những tháng gần đây, do lo ngại nhiều lô hàng cà phê không đáp ứng được EUDR, các nhà nhập khẩu EU đã đẩy mạnh thu mua cà phê từ các nước sản xuất trước thời điểm quy định này có hiệu lực (30/12), khiến cho giá cà phê tăng mạnh.
Việc hoãn thực hiện EUDR sẽ khiến cho áp lực giao cà phê sang EU trong tháng 11 giảm xuống, dẫn tới giá cà phê trên các sàn giao dịch giảm. Điều này tác động tới giá cà phê ở các nước sản xuất chính, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, giá cà phê giảm còn do tác động từ đồng USD mạnh lên và dự báo sẽ có mưa ở Brazil làm giảm bớt lo ngại về hạn hán.
Tuy đã hạ nhiệt, nhưng giá cà phê trong nước hiện vẫn cao hơn tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời nhiều dự báo cho thấy giá sẽ ở mức cao trong niên vụ 2024-2025 do sản lượng giảm.
Việt Nam đang chiếm khoảng 30% nguồn cung robusta toàn cầu, loại cà phê chủ yếu được sử dụng cho đồ uống hòa tan và pha trộn espresso. Tuy nhiên, hạn hán, tiếp theo là nhiều tuần mưa lớn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều vùng trồng ngay trước thềm vụ thu hoạch sắp bắt đầu vào tháng 10, theo Bloomberg.
Ông Trịnh Đức Minh, chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết điều kiện khí hậu khắc nghiệt và diện tích đất trồng cà phê ngày càng thu hẹp sẽ làm giảm sản lượng thu hoạch khoảng 10% đến 15% trong vụ này.
“Hạn hán đã khiến cây cho ít hạt hơn, và hạt cũng nhỏ hơn”, ông nói. “Ngoài ra, mưa sẽ cản trở nông dân thu hoạch và phơi khô cà phê, đồng thời, việc vận chuyển cũng trở nên khó khăn hơn”.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hơn 95% sản lượng cà phê của Việt Nam trong mùa vụ tới sẽ là cà phê robusta.
Việc sử dụng cà phê hoà tan và cà phê mang đi ngày càng phổ biến, cùng với nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng bởi thời tiết đã thúc đẩy giá cà phê robusta tăng gấp đôi trong năm qua. Mức giá hiện tại của robusta gần bằng arabica loại cao cấp, vốn cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua.
Volcafe Ltd., một công ty kinh doanh cà phê lớn, dự báo tình trạng thâm hụt robusta nghiêm trọng trên toàn cầu sẽ tiếp diễn trong niên vụ 2024-2025. Nếu điều này xảy ra thì đây là niên vụ thứ 4 liên tiếp tình trạng thâm hụt này xảy ra.
Tại Indonesia, thay vì thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu trong nước tăng cao là yếu tố khiến đà tăng giá cà phê toàn cầu chưa thể hạ nhiệt. Hiện tại, quốc gia này cung cấp khoảng 10% robusta toàn cầu.
Diện tích trồng cà phê ở Việt Nam đang giảm do nông dân chuyển sang các loại cây trồng thay thế như sầu riêng và bơ trong vài năm qua. Theo một báo cáo của USDA, nguồn nước ngầm và tỷ bóng râm giảm cũng đặt ra thách thức lâu dài khi nhiều nông dân Việt Nam dựa vào giếng khoan để tưới tiêu và che phủ rừng giúp giảm bốc hơi.
Vào tháng 6, USDA dự báo sản lượng cà phê robusta của Việt Nam chỉ giảm 1% trong niên vụ 2024-2025 xuống còn 27,85 triệu bao 60 kg. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoảng 9% so với niên vụ 2021-2022. Điều này cho thấy sản lượng giảm trong dài hạn trùng với nhu cầu toàn cầu tăng mạnh.
Hoàng Hiệp