LÚA GẠO

Đề xuất xóa bỏ “đặc quyền” của Hiệp hội lương thực trong xuất khẩu gạo

Cập nhật ngày: 30 | 03 | 2018

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang bộc lộ nhiều hạn chế trong hoạt động cũng như bảo vệ quyền lợi chung của các thành viên. Do đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, đề xuất Chính phủ thay đổi và xóa bỏ “đặc quyền” của VFA trong xuất khẩu gạo.

Sáng nay (30/3), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Liên minh nông nghiệp đã tổ chức hội thảo “Đánh giá vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ Hiệp hội” .

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, lịch sử thành lập cho thấy, việc ra đời VFA ngay từ đầu đã không phản ánh đúng nguyên tắc căn bản là dựa trên sự tự nguyện vì mục đích hoạt động của các thành viên, mà dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý Nhà nước, với kỳ vọng trở thành “cánh tay nối dài” của Chính phủ để quản lý ngành lúa gạo.

VFA là Hiệp hội thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng vị trí Chủ tịch Hiệp hội vẫn do Bộ Công Thương phê chuẩn và thường do lãnh đạo Vinafood I và Vinafood II thay nhau đảm nhận. Nhiều mâu thuẫn bùng phát xuất phát từ sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo. Bộ máy quản lý đầy đủ các vị trí nhưng hoạt động kém hiệu quả và minh bạch.

Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng cho hay, VFA chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn, thay vì bảo vệ đông đảo doanh nghiệp tư nhân.Vì một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay là điều kiện “phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ”.

Theo VEPR, Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tiêu chuẩn thương nhân xuất khẩu gạo dựa trên quy mô sản xuất và địa bàn hoạt động. Nhiều DN quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của VFA.

Nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng khẳng định “VFA đang không làm tròn vai trò vảo vệ hội viên”, bị chỉ trích rất mạnh mẽ khi trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi Nghị định 109, được cho là làm cản trở sự phát triển của hội viên.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, VFA không còn là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp nhà nước. Sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân và sự thay đổi căn bản về thị trường đòi hỏi VFA cần có sự thay đổi sâu rộng về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại Hà Nội. (Ảnh: PV)

Từ những phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, khuyến nghị trong ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 109, qua đó xoá bỏ đặc quyền của VFA đang được trao theo Nghị định 109.

Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội. Phân vai rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hiệp hội.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong thời đại kinh tế thị trường thì những vấn đề của ngành lúa gạo bộc lộ ngày càng khốc liệt, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh còn nhiều vấn đề.

Ông Thịnh cho biết, trong quá khứ VFA cũng có nhiều thành tích, dẫn dắt ngành lúa gạo đi ra nước ngoài trong lúc các thành phần khác còn hạn chế. Tuy nhiên, vai trò này đã thay đổi. Nhà nước đang muốn giảm dần các vai trò của các tổng công ty nhà nước, mặt khác các doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên năng động, đi đầu trong ngành lúa gạo.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, các doanh nghiệp lớn lại kiêm luôn chủ tịch thì việc thu thập thông tin được cho là cạnh tranh không lành mạnh. Vì các doanh nghiệp phải nộp thông tin về xuất nhập khẩu lúa gạo lên Hiệp hội. Do vậy, nhà nước phải nhìn lại vai trò của VFA. /.

Theo TTXVN

 

TIN TỨC KHÁC

Trung Quốc ngày càng chi phối thị trường lúa gạo toàn cầu

26-3-2018

Giống như với các loại cây trồng khác như bông, ngô hay lúa mì, Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một "gã khổng lồ" trên thị trường gạo thế giới.

Gạo Việt trước cơ hội đẩy mạnh thị trường xuất khẩu

23-3-2018

Vụ lúa đông xuân 2017-2018 ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ. Nông dân nhiều địa phương gặp thuận lợi, trúng mùa, lúa bán được giá cao.

Cơ hội xuất khẩu gạo đang mở

16-3-2018

Vụ lúa ĐX 2017-2018 ở ĐBSCL đang thu hoạch rộ. Thời tiết thuận lợi, nông dân trúng mùa, lúa bán giá cao. Chuyển động thị trường xuất gạo đầu năm bắt nhịp khá tốt. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Quyền Tổng giám đốc Vinafood2, tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV Báo NNVN vấn đề này.

Hai tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tăng gần 30% kim ngạch

16-3-2018

2 tháng đầu năm 2018, lượng gạo xuất khẩu của cả nước vẫn tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 831.504 tấn và kim ngạch tăng 29,9%, đạt 408,08 triệu USD.

XK gạo đầu năm 2018: Những tín hiệu vui

10-3-2018

Sau nhiều năm bị lép vế trước đối thủ Thái Lan, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khởi sắc, đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng năm 2018 đạt trung bình 475 USSD/tấn, cao hơn cả Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu Campuchia tăng

27-2-2018

Giá gạo xuất khẩu Campuchia tăng

Ấn Độ kỳ vọng tăng mạnh xuất khẩu gạo nhờ nhu cầu cao, tồn kho gạo Thái Lan cạn kiệt

26-2-2018

Từ tháng 4 – 12/2017, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016, có thể đạt 8 triệu tấn trong năm tài khóa 2017-18. Nhu cầu mạnh từ các nước láng giềng là Bangladesh và Sri Lanka, cùng vớii nhu cầu mua ổn định từ những đối tác truyền thống tại châu Phi là nguyên nhân chính giúp xuất khẩu gạo non-basmati Ấn Độ tăng mạnh và có khả năng đạt mức cao kỷ lục mới trong năm tài khóa hiện tại. Bên cạnh đó, tồn kho gạo Thái Lan cạn kiệt đang giúp Ấn Độ giành thị phần trên thị trường quốc tế.