CÀ PHÊ

Khẳng định thương hiệu cà phê Globeans

Cập nhật ngày: 17 | 02 | 2021

 
 
 
 
 
Nguồn: baolamdong.vn
 
Nhờ tìm hướng đi mới bằng việc sản xuất cà phê khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến thành phẩm xuất ra thị trường, anh Đoàn Hải Long (Liêng Srônh, Đam Rông) đã từng bước tạo dựng được sản phẩm mang thương hiệu Globeans.
 
Thương hiệu cà phê Globeans đang có chỗ đứng vững trên thị trường
Thương hiệu cà phê Globeans đang có chỗ đứng vững trên thị trường
 
Đam Rông có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để trồng và phát triển kinh tế từ trồng cà phê. Đến nay tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện là 12.010 ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh 10.454 ha. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cà phê trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, nông hộ thường thu hoạch sớm nên chất lượng quả cà phê không đảm bảo, ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê toàn huyện.
 
Trong một lần lên thăm người quen tại Thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông, anh Đoàn Hải Long đã đến các địa phương trên địa bàn huyện để tham quan, nghiên cứu về việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cà phê sau thu hoạch của nông hộ. 
 
Theo tính toán của anh Long, cứ 1 ha cà phê thu được khoảng 2,8 - 3,5 tấn nhân/năm, nếu trừ chi phí đầu tư, chưa tính công lao động thì lợi nhuận cũng chỉ được khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha/năm, người nông dân gần như chỉ lấy công làm lời. Hơn nữa, làm cả năm mới có thu hoạch một vụ và giá cả thì lên xuống thất thường. Với những gia đình có điều kiện thì khi giá cà phê xuống thấp, có thể giữ lại chờ khi giá cao mới bán, tuy nhiên, đa số nông dân thường ứng trước tiền phân, tiền công và vay mượn để đầu tư nên tới vụ thu hoạch xong phải bán ngay vì vậy lợi nhuận thường không cao.
 
Từ đó, anh Long đã mày mò tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu tìm hiểu thị trường và kết luận chỉ có giá cà phê thành phẩm mới ổn định, ít biến động, có những lúc giá cà phê thô xuống thấp nhưng cà phê thành phẩm vẫn cao. Để tìm hướng đi mới bằng việc sản xuất cà phê khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến thành phẩm xuất ra thị trường, anh tiến hành ký kết các hợp đồng với các hợp tác xã, hộ kinh doanh và nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn huyện. Từng bước hiện thực hóa ý tưởng và xác lập thương hiệu cà phê sạch Globeans cho riêng mình.
 
Ý tưởng là thế nhưng để gây dựng một thương hiệu cà phê mới ngay trên vựa cà phê Tây Nguyên vốn đã có nhiều thương hiệu cà phê lâu đời cũng là thách thức. Lúc mới chuyển sang rang xay cà phê do không có tiền đầu tư máy móc, anh Long dùng phương pháp thủ công, sử dụng lò rang hình quả cầu để rang cà phê. Phương pháp này trong quá trình rang phải quan sát màu sắc hạt, lượng khói bay lên và mùi vị… đến lúc thấy đạt là dừng lại. Dù vậy, anh Long vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và tham khảo ý kiến người tiêu dùng nên sản phẩm của anh ngày càng hoàn thiện hơn.
 
Sản phẩm đã hoàn thành nhưng để tìm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định là cả một vấn đề. Anh Long ngày ngày đến từng quán tạp hóa, từng quán cà phê, từng đại lý bách hóa... giới thiệu sản phẩm của mình. Anh Long kể: “Có ngày tôi đã chạy cả trăm km từ Đam Rông đến các huyện lân cận như Đức Trọng, Lâm Hà, Đà Lạt, Bảo Lộc… để giới thiệu, chào hàng sản phẩm cà phê. Do chưa có thương hiệu nên thời gian đầu khách hàng còn nhiều e dè chưa sử dụng nhưng nhờ sự kiên trì và quyết tâm nên tôi đã từng bước mang sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng và dần được đón nhận. Những tháng đầu tiên mỗi ngày tôi vẫn kiên trì vừa giao hàng cho khách vừa tiếp tục việc tiếp thị sản phẩm với các quán cà phê. Mỗi tháng tôi bán được khoảng 30 - 50 kg cà phê phin thành phẩm”. 
 
Song song với việc tiếp thị tại các đại lý, quán cà phê, tận dụng lợi thế của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… anh Long còn tăng cường tiếp thị sản phẩm cà phê phin đến người tiêu dùng. Dần dần sau khi được thị trường đón nhận, đến lúc mỗi tháng sản phẩm cà phê phin Globeans của anh Long bán được khoảng 1.000 - 1.200 kg. 
 
Anh Long cho biết: “Thấy sản phẩm của mình bước đầu được khách hàng chấp nhận, tháng 4/2019, tôi đã quyết định đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị tự động để thay thế phương pháp sản suất thủ công nhằm nâng cao công suất, đảm bảo chất lượng và giảm thiểu khói, bụi, tránh ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Từ đó, Công ty Cổ phần sản xuất Globeans được thành lập và dần dần phát triển. Đến nay, dòng sản phẩm cà phê phin với thương hiệu Globeans của Công ty đã có đầu ra ổn định và được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao”. 
 
Nhà máy sản xuất được anh đầu tư ngay tại vùng nguyên liệu, nơi đây tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống và canh tác trên cây cà phê. Năm 2017, Công ty Globeans cung ứng phân bón cho khoảng 200 hộ dân với khoảng 500 ha trồng cây cà phê trong giai đoạn kinh doanh, thường xuyên tổ chức hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây trồng và cải tạo đất đai bằng phân hữu cơ đạt chuẩn cũng như cách sơ chế quả tươi sau thu hoạch sao cho nhân cà phê đạt được chất lượng tốt nhất.
 
Công ty Cổ phần sản xuất Globeans cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại huyện Đam Rông thực hiện việc ký kết hợp đồng với các nông hộ, hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn huyện từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Với những nguyên tắc quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt trong chăm sóc, thu hái; đặc biệt là việc thu hoạch cà phê phải đảm bảo tỷ lệ chín trên 95%, thương hiện cà phê phin Globeans dần trở thành một thức uống thường xuyên cho mọi đối tượng không thể bỏ qua.
 
“Hiện các hộ nông dân đã dần hiểu ra giá trị cao của cà phê mình làm ra, họ không còn chạy theo sản lượng mà chú trọng vào việc cho ra loại cà phê đặc biệt, có giá trị cao, hương vị độc đáo. Và, sản phẩm cà phê Globeans đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao từ đây góp phần đưa cà phê vùng Đam Rông vươn xa”, anh Long phấn khởi.