Đây là nội dung được Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (Vicofa) thông tin tại Hội nghị tổng kết niên vụ 2020, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 15/1.
Ông Nguyễn Viết Hải, Phó Chủ tịch thường trực Vicofa thông tin kết quả sản xuất, xuất khẩu cà phê tại hội nghị.
Ông Nguyễn Viết Hải, Phó Chủ tịch thường trực Vicofa thông tin, niên vụ 2019/2020, xuất khẩu cà phê đạt 1,61 triệu tấn, với giá trung bình 1.740 USD/tấn, kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD. So với vụ trước đó, sản lượng xuất khẩu giảm 5% trong khi kim ngạch giảm 5,3%, mức giá trung bình giảm 0,4%; trong đó, khối lượng xuất khẩu cà phê chế biến (rang xay, hòa tan) giảm mạnh hơn 17%, chỉ đạt 110.000 tấn, kim ngạch giảm 8,7%, đạt hơn 443 triệu USD.
Tính đến tháng 12/2020, Việt Nam đã thu hoạch được 70% sản lượng, dự báo giảm từ 10 - 15%. Trong khi đó, giá cà phê vẫn bấp bênh khiến khối lượng cà phê thu mua trong dân của niên vụ 2020/2021 ít hơn nhiều so với niên vụ trước. Hiện nay, giá cà phê tươi giao động từ 6,7 - 6,9 triệu đồng/tấn, giá cà phê nhân ở mức 32 - 32,5 triệu đồng/tấn khiến người trồng cà phê tiếp tục gặp khó khăn.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, các chuyên gia dự báo thị trường cà phê thời gian tới có thể phục hồi nhưng rất chậm vì dịch COVID-19 vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch ở nhiều khu vực chưa được mở cửa trở lại. Tiêu thụ trong nước vẫn chưa đạt được kỳ vọng do nhiều quán cà phê vắng khách, phải đóng cửa. Trong khi đó, hoạt động sản xuất cà phê trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa bão, biến đổi khí hậu và già cỗi.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa phát biểu khai mạc hội nghị.
Đứng trước khó khăn đó, Vicofa sẽ tập trung thực hiện một số chương trình nhằm cải thiện hiệu quả cho ngành cà phê. Theo đó, hiệp hội đẩy mạnh chương trình tái canh cây cà phê giai đoạn 2, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu thông qua các Hiệp định EVFTA, CPTPP, tăng cường xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan để thu lại giá trị cao hơn. Song song đó, triển khai hiệu quả chương trình đẩy mạnh tiêu dùng cà phê nội địa của Việt Nam nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Cà phê Vĩnh Hiệp chia sẻ, khó khăn do sức tiêu thụ giảm là tình hình chung trên toàn cầu, không riêng ở Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để nâng cao thị phần tại các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ các FTA. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, ngành sản xuất cà phê cần được chuẩn hóa quy trình từ trồng trọt, chăm bón, thu hoạch tới chế biến, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của EU. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc, thay đổi tập quán thu hoạch, sơ chế.
Đối với tiêu thụ trong nước, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chuẩn chất lượng cà phê để tránh việc đánh đồng cà phê với các sản phẩm cà phê được phối trộn các loại nông sản khác, tạo ra sự công bằng trong cạnh tranh và hình thành văn hóa thưởng thức cà phê đúng nghĩa.
Nhiều chuyên gia cũng đề cập đến vấn đề đảm bảo chất lượng và sản lượng cà phê tại các khu vực xen canh cà phê - sầu riêng, cà phê - bơ, cà phê - mắc ca… và các vườn cà phê già cỗi. Theo đó, khi xen canh, người trồng cần tính toán tỷ lệ hợp lý và phân bổ nguồn lực chăm sóc phù hợp, với các vườn cà phê trên 30 năm cần tổ chức tái canh các giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn, đảm bảo hiệu quả kinh tế để duy trì sản xuất lâu dài.