CÀ PHÊ

Cuộc khủng hoảng giá cà phê kéo dài 4 năm sẽ kết thúc vào năm 2021?

Cập nhật ngày: 12 | 01 | 2021

Nguồn: Vietnambiz.vn

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết với việc sản lượng cà phê toàn cầu và Việt Nam đang có xu hướng giảm như hiện nay, giá cà phê có thể tiếp tục tăng trong năm 2021. Tuy nhiên, ông Tự cho rằng việc giá cà phê phục hồi hay không sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.

Sản lượng cà phê niên vụ 2020 - 2021 có thể giảm 15%

Trao đổi với người viết bên lề hội nghị tổng kết năm 2020 của ngành công thương, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2019 - 2020 đạt 1,8 triệu tấn, giảm 5% so với niên vụ 2018 - 2019. 

Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước chiếm 10% còn lại là xuất khẩu.

Cuộc khủng hoảng giá cà phê kéo dài 4 năm sẽ kết thúc vào năm 2021? - Ảnh 1.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

Tuy nhiên, ông Tự cho rằng bước sang niên vụ 2020 - 2021, sản lượng cà phê sẽ còn giảm khoảng 15% do ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ hồi tháng 10 và hạn hán hồi tháng 5 và tháng 6. 

Hiện tại, người dân đã thu hoạch được khoảng 60 - 70% sản lượng niên vụ cà phê niên vụ 2020 - 2021.

Mức độ giảm sản lượng dự kiến trong niên vụ 2020 - 2021 mà Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam đưa ra cao hơn so với  Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Trước đó hồi tháng 11, USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2020 - 2021 sẽ giảm 3,5% so với niên vụ 2019/20, xuống còn 30,2 triệu bao (mỗi bao 60 kg).

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, vụ cà phê năm nay của Việt Nam bị mất mùa và thu hoạch trễ hơn so với các năm trước nên chưa tạo áp lực lên thị trường. 

Theo đó, vụ mùa năm nay, kỹ thuật thu hái và phơi sấy sau thu hoạch đã được quan tâm nhiều hơn, tạo động lực đẩy giá cà phê đi lên. 

Ông Tự cho biết những năm gần đây, do giá cà phê thấp nên người dân trồng xen canh với các loại cây khác. Điều này dẫn tới diện tích cà phê giảm. 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích cà phê của Việt Nam năm 2020 là 680.000 ha, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Bước sang năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng diện tích sẽ còn giảm xuống khoảng 675.000 ha. 

USDA cho biết thông lệ, khi giá cà phê xuống thấp, người dân có xu hướng chuyển hướng sang trồng cây hồ tiêu. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, cả ngành hồ tiêu cũng hứng chịu cuộc khủng hoảng dư cung khi diện tích gấp 3 lần quy hoạch nên giá xuống thấp kỉ lục. Do đó, người trồng cà phê chuyển sang trồng xen canh các loại cây ăn quả như xoài, sầu riêng…

Mặc dù diện tích giảm nhưng con số này vẫn vượt so với quy hoạch trong đề án Phát triển ngành cà phê bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Theo đề án này, đến năm 2020 tổng diện tích cà phê của cà nước là 600.000 ha và tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,8 - 4,2 tỷ USD. 

Tuy nhiên, cuộc khủng dư thừa nguồn cung khiến giá cà phê giảm 4 năm liên tiếp. Kèm theo đó, do chịu tác động của dịch COVID-19, xuất khẩu cà phê năm 2020 không đạt được như trong đề án đưa ra.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản xuất khẩu cà phê tháng 12 năm 2020 ước đạt 85 nghìn tấn với giá trị đạt 170 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê cả năm 2020 đạt 1,51 triệu tấn và 2,66 tỷ USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 7,2% về giá trị so với năm 2019. 

Kỳ vọng chu kì giảm giá cà phê sớm kết thúc

Theo ông Tự, với việc sản lượng cà phê toàn cầu và Việt Nam đang có xu hướng giảm như hiện nay, giá cà phê có thể tiếp tục tăng trong năm 2021.

"Thị trường cà phê đã trải qua chu kì giảm giá 4 năm liên tiếp. Do đó, tôi cho rằng giá cà phê sẽ phục hồi trong năm 2021 nhờ sản lượng giảm", ông Tự nói.

Nhìn lại cả năm 2020, giá cà phê trong nước biến động giảm trong 6 tháng đầu năm và có xu hướng tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm. 

So với thời điểm cuối năm 2019, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng nhẹ 500 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lại giảm 100 – 200 đồng/kg so với tháng 11/2020.

Giá cà phê trong tháng 12/2020 dao động trong khoảng 32.500 – 32.900 đồng/kg. Giá cà phê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Giá cà phê rubusta giá FOB giao tại cảng thành phố Hồ Chí Minh ổn định tại ngưỡng 34.500 đồng/kg. 

Vụ cà phê năm nay của Việt Nam bị mất mùa và thu hoạch trễ hơn so với các năm trước nên chưa tạo áp lực lên thị trường. Theo đó, vụ mùa năm nay, kỹ thuật thu hái và phơi sấy sau thu hoạch đã được quan tâm nhiều hơn, tạo động lực đẩy giá cà phê đi lên. 

Tồn kho cà phê tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021. 

Các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch COVID-19 và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà. 

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho rằng cùng với thông tin thử nghiệm vắc xin, sẽ thúc đẩy lượng xuất khẩu tăng lên, dự báo xuất khẩu cà phê sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm 2021.

Xuất khẩu robusta khả năng tiếp tục tăng cao khi nhu cầu cà phê hòa tan tại nhà nhiều hơn trong bối cảnh các nước áp đặt các biện pháp hạn chế tiếp xúc để ngăn chặn dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, ông Tự cho rằng việc giá cà phê phục hồi hay không sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.

"Đây là ngành tiêu thụ cà phê rất lớn, do đó, chừng nào ngành du lịch phục hồi thì cà phê cũng sẽ phục hồi theo", ông Tự nói.