CÀ PHÊ

2021 sẽ là năm phục hồi cho ngành cà phê Việt Nam?

Cập nhật ngày: 16 | 02 | 2021

Nguồn: Vietnambiz.vn

Dịch COVID-19 đã tác động to lớn đến ngành cà phê trong năm 2020. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, thị trường đã xuất hiện những tín hiệu tích cực từ việc nguồn cung dần được thắt chặt, hỗ trợ giá cà phê.

Đã xuất hiện những tín hiệu tốt cho niên vụ cà phê 2020 - 2021

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ niên vụ 2020-2021, sản lượng của Việt Nam ước đạt 29 triệu bao, giảm 7% so với năm trước, trong đó 28 triệu bao robusta và một triệu bao arabica do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt diễn ra trong suốt năm. Xuất khẩu cà phê niên vụ 2020 - 2021 của Việt Nam giảm nhẹ xuống 26,65 triệu bao.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định tồn kho cà phê khả dụng tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021.

Các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao và tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà.

Cùng với thông tin thử nghiệm vắc xin, sẽ thúc đẩy lượng xuất khẩu tăng lên, dự báo xuất khẩu cà phê sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê sẽ phục hồi do nguồn cung hạn chế. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá cước phí tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng toàn cầu.

Năm 2021, Brazil bước vào năm cho sản lượng thấp theo chu kỳ "hai năm một", tình trạng khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây cà phê.

Do đó, thị trường cà phê arabica có khả năng sẽ thiếu hụt khoảng 8,5 triệu bao trong niên vụ 2020-2021. Thị trường cà phê arabica được hỗ trợ từ đồng real Brazil mạnh lên .

2020 - Một năm đầy biến động với ngành cà phê

Nhìn lại cả năm 2020, giá cà phê trong nước biến động giảm trong 6 tháng đầu năm và có xu hướng tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm.

So với thời điểm cuối năm 2019, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá lại giảm 400-500 đồng/kg so với tháng 11/2020, hiện giá thu mua đang ở mức 32.200 – 32.700 đồng/kg.

Giá cà phê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Giá cà phê robusta giá FOB giao tại cảng thành phố Hồ Chí Minh ổn định tại ngưỡng 33.400 đồng/kg.

Vụ cà phê năm nay của Việt Nam bị mất mùa và thu hoạch trễ hơn so với các năm trước nên chưa tạo áp lực lên thị trường. Theo đó, vụ mùa năm nay, kỹ thuật thu hái và phơi sấy sau thu hoạch đã được quan tâm nhiều hơn, tạo động lực đẩy giá cà phê đi lên.

Tính đến cuối tháng 12, nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch được khoảng 70% sản lượng cà phê niên vụ 2020 - 2021.

Với một năm đầy biến động từ dịch bệnh đến thiên tai cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của cây cà phê, sản lượng giảm khoảng 10 – 15%, trong khi đó, giá cà phê trên thị trường lại luôn bấp bênh, khối lượng cà phê thu mua trong dân của niên vụ 2020 - 2021 ít hơn nhiều so với những niên vụ trước.

Hiện giá cà phê tươi từ 6,7 đến 6,9 triệu đồng/tấn, còn giá cà phê nhân cũng đang trong khoảng từ 32 đến 32,5 triệu đồng/tấn.

Nâng cao chất lượng

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, mất mùa, năng suất giảm, giá thấp, người trồng cà phê lại tiếp tục gặp khó khăn.

Tuy nhiên, tại Đắk Lắk, việc nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch đang được đơn vị sản xuất xem là một trong những giải pháp mang lại "lợi ích kép" khi giá bán cao hơn so với thị trường và hướng đến sản xuất cà phê bền vững.

So với niên vụ trước thì niên vụ 2020 - 2021 thu hoạch muộn.

Hiện bà con ở các địa phương mới bắt đầu bước vào thu hoạch rộ, và việc thu hoạch quả chín đạt từ 80% trở lên đã được người dân chú ý, nhất là những hộ có liên kết sản xuất. Tuy việc hái cà phê chín chọn lọc khá tốn công, nhưng giá bán lại cao hơn so với cà phê hái đại trà.

Đặc biệt, những năm gần đây, khi các hộ liên kết với doanh nghiệp canh tác cà phê theo hướng hữu cơ nên ngoài việc chăm sóc vườn cây tốt thì khâu thu hoạch rất được chú trọng, bởi nếu hái chín 100% sẽ được thu mua với mức giá cao hơn khoảng 20% so với giá bình thường.

Nhờ vậy, các hộ có động lực để nâng cao chất lượng thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 208.000 ha cà phê, tổng sản lượng ước đạt khoảng 465.000 tấn.

Hiện chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các đơn vị và doanh nghiệp quản lý, còn lại gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.

Những năm gần đây, có khá nhiều hộ dân liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cà phê bền vững, cà phê đặc sản nên phương pháp chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng đã được thay đổi rất nhiều.

Đặc biệt, là khâu thu hoạch, người dân đều hái quả chín từ 90 - 100% để bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của người thu mua.

Đắk Lắk hiện đang có 4 loại hình cà phê chứng nhận phổ biến gồm: 4C, UTZ Certified, RFA và FLO, với tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận hơn 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Niên vụ 2020 - 2021 dự kiến năng suất bình quân ước 25,4 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 470.000 tấn.

Quan điểm của tỉnh Đắk Lắk là không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch; tập trung rà soát và xây dựng kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cải tạo vườn cà phê già cỗi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.