Không chỉ tăng thu nhập, việc trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê còn góp phần tăng khả năng phòng hộ cho cà phê, giảm thiểu những tác động do thiên tai gây ra.
Ông Mai Đình Phượng, ở thôn An Phú, xã Ea Drơng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, trồng và chăm sóc cà phê gần 30 năm. Những năm gần đây, do giá cả xuống thấp, trong khi vườn cà phê ngày càng già cỗi, giảm năng suất, ông đã lựa chọn ghép cải tạo một phần diện tích cà phê, đồng thời trồng xen vào nhiều loại cây ăn quả. Theo ông Mai Đình Phượng, việc trồng xen giúp tăng thu nhập từ nhiều loại cây trồng, mà năng suất cà phê lại ổn định 2,5-3 tấn nhân/ha: "Từ khi trồng xen canh sầu riêng, hồ tiêu, bơ thì hiệu quả cao hơn. Do trồng mỗi thứ một ít thì hiệu quả cao hơn thôi chứ độc canh cà phê thì rẻ quá nên hiệu quả cũng thấp nên phải xen canh."
Xen canh cây ăn trái vào vườn cà phê cũng là cách mà gia đình ông Dương Văn Thao, ở buôn Ê Chăm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, vượt qua khó khăn khi giá cà phê xuống thấp. Mặc dù nguồn thu từ cây trồng chính là cà phê sụt giảm, nhưng các cây trồng xen như sầu riêng, bơ đã cho thu hoạch và bán được giá nên tổng thu nhập của gia đình ông vẫn ổn định ở mức 300-400 triệu mỗi năm: "Mấy năm nay giá cà phê, tiêu Tây Nguyên xuống thấp. Tôi cũng có 4ha cà phê thì mình cũng chuyển đổi một số, trồng xem thêm cây ăn trái và tiêu để làm sao cho có thu nhập ổn định mà không bị giảm năng suất trong vườn, ví dụ cây này mất thu nhập ở cây cà thì lại tăng thu nhập ở cây ăn trái cho ổn định hơn."
Trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê là giải pháp được nhiều nông dân ở Đắk Lắk lựa chọn thời gian qua. Những loại cây trồng xen chủ yếu là sầu riêng, bơ, hồ tiêu, mắc ca và muồng đen (một loại cây gỗ thuộc nhóm 1, trồng làm trụ tiêu, sau này có thể khai thác gỗ). Không chỉ cải thiện thu nhập, những loại cây trồng xen có tầng tán cao, giúp che bóng, chắn gió cho vườn cà phê. Đây là giải pháp kỹ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa mang lại hiệu quả môi trường.
Theo thống kê của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đến nay đã có khoảng 1/5 diện tích trong tổng số hơn 200.000ha cà phê toàn tỉnh được trồng xen nhiều loại cây khác và tập trung tại các vùng chuyên canh cà phê của huyện Cư Mgar, Krông Pắk, Thị xã Buôn Hồ và Thành phố Buôn Ma Thuột.
Tiến sĩ Phạm Công Trí, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết không chỉ riêng ở Đắk Lắk, đa canh cây trồng trong vườn cà phê là xu hướng đang được nhiều nông dân Tây Nguyên lựa chọn để hướng tới sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. 5 năm trở lại đây, khu vực Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều cụm cảnh quan nông lâm kết hợp cỡ lớn với diện tích lên tới vài nghìn hec ta: "Thông qua chương trình này nếu bà con nông dân làm tốt chúng ta sẽ hình thành những vùng đa canh bền vững; tất cả sản phẩm đều được thương mại hoá theo hướng sản phẩm GAP hoặc là sản phẩm hữu cơ. Như vậy cái lợi ích lớn hơn rất nhiều. Chúng ta đang tạo ra những hệ canh tác nông nghiệp rất gần gũi với hệ canh tác rừng. Đó là có cây thân gỗ, có cây cà phê, có thảm phủ; có rất nhiều yếu tố đầu vào, đầu ra một cách cân bằng chứ không đơn điệu là chúng ta xem những cây thân gỗ vào vườn cà phê."
Những năm qua, biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người trồng cà phê ở Tây Nguyên. Việc đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê được xem là một trong những giải pháp mang lại nhiều hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
baogialai.com.vn