Thương vụ Việt Nam tại Angieri (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Hiệp hội nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết năm 2019, Senegal nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, tăng 15% so với năm 2018 do sản lượng lúa tại thung lũng sông Senegal không được tốt, giảm khoảng 100.000 tấn.
Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Senegal tăng mạnh so với năm 2018, tuy nhiên, giá gạo sụt giảm.
Cụ thể, xuất khẩu gạo Senegal đạt 96.665 tấn, kim ngạch đạt 32,6 triệu USD, tăng hơn 13 lần về lượng và gấp 10,2 lần về giá trị. Trên thị trường này, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Trung Quốc, Brazil, Achentina, Uruguay, Mỹ, Malaisia và Campuchia.
Từ 1995, Senegal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty Nhà nước và tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu loại lương thực này. Do luôn bị hạn hán đe dọa nên sản xuất lương thực của Senegal chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước.
Theo đó mỗi năm, nước này vẫn phải nhập khẩu từ 700.000 - 800.000 tấn gạo trong đó hơn 90% là gạo tấm. Người dân Senegal chuộng gạo tấm vì ngoài yếu tố giá rẻ, thì đây còn là thói quen có từ thời thuộc Pháp.
Thương vụ Việt Nam tại Angieri dự báo năm 2020 nhu cầu nhập khẩu gạo của Senegal nói riêng và châu Phi nói chung vẫn ở mức cao do tháng hai vừa qua, đại dịch châu chấu bùng phát ở Đông Phi phá hoại mùa màng, thêm vào đó là dịch COVID-19 dẫn đến tâm lí người dân tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm trong đó có gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu gạo của châu Phi năm 2020 ước khoảng 15,7 triệu tấn trong đó Senegal có thể phải nhập khẩu 1,3 triệu tấn.
Một số loại thuế tại Senegal gồm đối với thóc, thóc giống thuế nhập khẩu là 7,7%, thuế VAT là 18%; đối với gạo trắng, gạo lức thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; đối với gạo tấm thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; các loại gạo khác thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng