Tháng 1/2020, giá gạo 100% B của Thái Lan giảm do nhu cầu yếu, theo đó giá còn 436 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam cũng giảm xuống 350 USD/tấn (loại 5% tấm) do thị trường ít giao dịch trong kỳ nghỉ Tết. Trong khi đó, gạo cùng loại của Ấn Độ vững ở 363 USD/tấn, còn gạo Pakistan tăng nhẹ lên 381 USD/tấn do nhu cầu xuất khẩu gạo basmati sang thị trường Châu Âu khá mạnh. Gạo Mỹ tăng giá lên 595 USD/tấn do nguồn cung khan hiếm, còn gạo Uruguay ở mức 516 USD/tấn.
Ấn Độ
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tháng 2/2020 tăng do có sự kết hợp của một số yếu tố: (1) Một số khách hàng Châu Phi có nhu cầu mua gạo Ấn Độ; (2) đồng rupee mạnh so với USD; và (3) chương trình thu mua lúa gạo của Chính phủ với mức giá ấn định năm nay cao hơn năm ngoái khiến cho giá lúa gạo trong nước duy trì ở mức cao. Tính tới 10/2/2020, Chính phủ Ấn Độ đã thu mua 35 triệu tấn lúa, tương đương hơn 20% sản lượng lúa chính vụ.
Tuy nhiên, nhu cầu từ khách hàng Châu Phi những ngày gần đây chậm dần lại.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ngày 21/2/2020 giá khoảng 371-376 USD/tấn – cao nhất kể từ cuối tháng 9/2019, so với mức 369 – 373 USD/tấn một tháng trước đó.
So với một năm trước, giá gạo Ấn Độ hiện đang thấp hơn khoảng 7- 10 USD/tấn.
Trên thị trường nội địa Ấn Độ, giá gạo bán lẻ từ đầu năm đến nay tăng nhẹ, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm khoảng 3-7 USD/tấn.
Thái Lan
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm trong tháng 2/2020. Từ mức 432 - 453 USD/tấn cuối tháng 1/2020, giá giảm xuống 430 – 445 USD/tấn ngày 21/2/2020 (giảm 2 đến 8 USD/tấn). Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang biến động theo tỷ giá đồng baht, trong bối cảnh nhu cầu từ khách hàng nước ngoài rất thấp vì giá gạo Thái Lan cao hơn nhiều so với gạo các nước khác và nguồn cung cũng không dồi dào. Đồng baht đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 7 tháng so với USD từ cuối tháng 1/2020 do lo ngại về sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp do virus corona. Mặc dù vậy, đồng tiền này vẫn ở mức khá cao nên giá gạo Thái chỉ giảm nhẹ trong tháng qua, chưa đủ để hấp dẫn khách hàng.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo Thái Lan đã tăng trên 40 USD/tấn (khoảng 10%).
Từ cuối năm 2019 đến nay, giá gạo nội địa của Thái Lan tăng khoảng 6-8%, so với cùng kỳ năm ngoái mức tăng cũng tương tự. Như vậy, giá gạo nội địa của Thái Lan tăng ít hơn nhiều so với giá gạo xuất khẩu, lý do vì gạo xuất khẩu tính bằng USD mà đồng baht lại tăn giá mạnh so với USD.
Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tháng 2/2020 do nhu cầu cao từ Philippines và Malaysia. Loại 5% tấm giá hiện ở mức 380 USD/tấn, tăng gần 10% so với mức 345 USD/tấn cuối tháng 1/2020. Mức giá hiện tại cao nhất trong vòng hơn 1 năm.
Theo nguồn tin Reuters, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, cho biết dịch virus corona ở Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu gạo Việt Nam bởi hơn một năm gần đây Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường nên mức độ phụ thuộc của mặt hàng gạo xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc không còn quá lớn. Cũng theo Reuters, một phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Philippines tháng 3 tới sẽ đến thăm các cơ sở sản xuất gạo cảu Việt Nam để làm việc về vấn đề an toàn thực phẩm, chuẩn bị cho việc nhập khẩu nhiều hơn nữa.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 40 USD/tấn, tương đương trên 10%.
Một số thị trường khác
Giá gạo tại Philippines đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm do nguồn cung dồi dào bởi có lượng gạo nhập khẩu lớn trong năm 2019, sau khi Chính phủ nước này áp dụng chính sách nhập khẩu mới, theo đó cho phép tư nhân được tham gia nhập khẩu.
Đầu tháng 1/2020, giá gạo xát thường bán lẻ trung bình là 36,53 peso/kg, thấp hơn 12,3% so với mức 41,63 peso/kg một năm trước đó. Đây là mức giá trung bình thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây (tuần thứ 3 của tháng 1/2014, giá gạo cùng loại bán lẻ là 36,46 peso/kg.
Giá gạo xát kỹ trung bình vào đầu năm nay là 37,24 peso, cũng giảm 11% so với 41,82 peso của một năm trước đó.
Tại Myanmar, giá gạo giảm trong tháng 1/2020 do vào vụ thu hoạch chính với sản lượng bội thu.
Tại Campuchia, giá gạo nội địa biến động trái chiều trong tháng 1/2020, vững hoặc giảm ở miền Nam nhưng tăng ở một số khu vực sản xuất thuộc miền Bắc, trong đó có các vùng Banteay Meanchey và Battambang, nơi lượng mưa dưới mức trung bình ở thời điểm dầu vụ chính của năm 2019 khiến cho việc gieo trồng bị chậm lại.
Tại Bangladesh, giá gạo giảm trong giai đoạn thu hoạch vụ lúa “Aman” của năm 2019 – vụ chiếm 35% tổng sản lượng gạo cả năm của nước này.
Tại Sri Lanka, giá gạo tiếp tục tăng trong tháng 1 vừa qua do yếu tố mùa vụ và lo ngại thời tiết khô hạn năm 2020 sẽ ảnh hưởng tới vụ chính – vụ “Maha”. Giá gạo tại nước này hiện đang cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái do lượng nhập khẩu giảm sút trong năm 2019 và sản lượng vụ “Yala” – vụ lớn thứ 2 của nước này, thu hoạch vào tháng 9 – giảm so với mọi năm.
Tại Trung Quốc đại lục, giá gạo vững trong tháng 1 vừa qua, ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung trong nước dồi dào. Ở Indonesia, giá cũng không có sự biến động nhiều. Riêng tại Pakistan, giá gạo và lúa mì tăng lên mức cao kỷ lục do nguồn cung trong nước khan hiếm. Đề đảm bảo đủ cung và kiềm chế giá tăng, Chính phủ nước này gần đây đã thông qua kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn lúa mì.
Nguồn: VITIC/USDA, FAO