Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam giá tăng lên 380 USD/tấn, cao chưa từng thấy kể từ tháng 12/2018. Tuần trước, giá loại này quanh mức 355 – 360 USD/tấn.
“Chúng tôi đã nhận thêm đơn hàng từ Philippines và Malaysia trong thời gian gần đây. Nguồn cung lúc này vẫn thấp vì vụ thu hoạch lúa Đông – Xuân chưa vào giai đoạn cao điểm”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Đầu tuần này, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, cho biết dịch virus corona ở Trung Quốc không ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này. Ông Nam cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam mấy năm gần đây đã đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, theo đó Philippines hiện là thị trường lớn nhất. Việt Nam cũng tăng cường sản xuất gạo thơm để tiếp cận tới những thị trường mới như Hàn Quốc và Châu Phi.
Các thương gia ở TP HCM cho biết, một phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Philippines tháng 3 tới sẽ đến thăm các cơ sở sản xuất gạo cảu Việt Nam để làm việc về vấn đề an toàn thực phẩm, chuẩn bị cho việc nhập khẩu nhiều hơn nữa.
Ông Nam dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,75 triệu tấn, tăng 6% so với năm ngoái, và giá gạo Việt Nam còn có thể tăng hơn nữa vì hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các đối thủ.
Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm (đồ) giá tuần này vững ở mức 371-376 USD/tấn – cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái.
“Nhu cầu từ Benin và Nam Phi đang ở mức thấp”, Reuters dẫn lời ông Nitin Gupta, phó chủ tịch của Olam phụ trách thị trường Ấn Độ cho biết. Theo ông Gupta, mặc dù xuất khẩu yếu nhưng giá lúa trong nước cao do Tổng công ty Lương thực quốc doanh Ấn Độ thu mua với giá quy định.
Tại Bangladesh, Chính phủ có thể áp lệnh cấm xuất khẩu gạo thường do giá trong nước tăng cao.
Đầu tháng này, Chính phủ đã thực hiện trợ cấp cho các nhà xuất khẩu bằng tiền mặt trị giá 15% xuất khẩu gạo để cạnh tranh với các đối thủ và bảo vệ người trồng lúa. Chính sách này sẽ được áp dụng đối với gạo thơm.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá chào bán tuần này ở mức 430 – 445 USD/tấn, so với 425 – 447 USD/tấn tuần trước. Nguyên nhân do sự biến động của tỷ giá trong bối cảnh nhu cầu vẫn thấp và lo ngại về ảnh hưởng của hạn hán.
Mùa khô ở Thái Lan bắt đầu từ tháng 11 và thường kéo dài tới tháng 4, song năm nay cơ quan khí tượng nước này dự báo sẽ kéo dài tới tháng 6.
Tại Myanmar, theo Liên đoàn Gạo nước này, xuất khẩu gạo (bao gồm cả tấm) trong giai đoạn 1/10/2019-10/1/2020 đạt 986.345 tấn, trị giá trên 282,8 triệu USD, so với 842.342 tấn (245 triệu USD) cùng kỳ năm trước. Trong đó, 29% sang thị trường Trung Quốc, EU và Châu Phi. Nước này đặt mục tiêu xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong tài khóa 2019-2020.
Nguồn: VITIC/Reuters