Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mặc dù các ngành sản xuất đang gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhưng trong tháng 2 hoạt động xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,6 tỉ USD, so với cùng kì 2019, xuất khẩu tháng 2/2020 tăng 34%.Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,92 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kì năm trước.
Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao như điện thoại và linh kiện đạt 6,9 tỉ USD, tăng 2,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỉ USD, tăng 26,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỉ USD, tăng 19,6%; giày dép đạt 2,7 tỉ USD, tăng 3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỉ USD, tăng 7,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỉ USD, tăng 4%.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm nhiều so với cùng kì năm trước như thủy sản đạt 912 triệu USD, giảm 17,7%; cà phê đạt 497 triệu USD, giảm 9,8% (lượng giảm 6,6%); rau quả đạt 481 triệu USD, giảm 17,4%; hạt điều đạt 315 triệu USD, giảm 19,3% (lượng giảm 6%); cao su đạt 231 triệu USD, giảm 24,2% (lượng giảm 32,4%); hạt tiêu đạt 81 triệu USD, giảm 18,8% (lượng giảm 2,8%).
Riêng gạo được xem là điểm sáng xuất khẩu khi tạo bước ngoặt lớn trong tháng 2, với 372 triệu USD, tăng 20,5% và lượng tăng 15% so với cùng kì, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm do hạn chế giao thương với thị trường Trung Quốc do dịch Covid1-19.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang có xu hướng liên tục tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho người nông dân.
"Gần đây, chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ Philippines và Malaysia, trong khi nguồn cung vẫn ở mức thấp vì vẫn chưa bước vào đỉnh điểm vụ thu hoạch", một nhà giao dịch có trụ sở tại TP HCM cho biết.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho hay dịch bệnh do virus corona bùng phát tại Trung Quốc không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường lớn nhất thế giới này.
Trong năm 2019, ngành gạo trong nước đã có một năm sụt giảm mạnh, hụt hơi 300 triệu USD so với năm 2018. Cụ thể, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 6,26 triệu tấn, chỉ thu về 2,75 tỉ USD, trong khi năm 2018 xuất 6,1 triệu tấn, nhưng mang về 3,06 tỉ USD.
Tuy nhiên, tổng sản lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 8% tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Cũng trong năm này, thị trường ghi nhận Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu mạnh gạo của Việt Nam là Senegal tăng gấp 9,86 lần, Bờ Biển Ngà tăng 78,6%, Đài Loan tăng 31%, Hong Kong tăng 28,3% và Tanzania tăng 26,6%.
Có thể thấy với việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc, ngành gạo là một trong những nhóm hàng nông sản hiếm hoi ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hiện nay.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng