CÀ PHÊ

Cây cà phê chè Việt Nam và ba vùng canh tác trọng điểm

Cập nhật ngày: 14 | 08 | 2019

Cây cà phê chè (Arabcia) vốn không có vị thế tương xứng trong ngành cà phê Việt Nam trong hơn 30 năm này. Từ những năm 1980 ngành cà phê vì chưa có biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cà phê chè nên đã có chủ trương mở rộng diện tích cà phê vối (Robusta) trên vùng đất đỏ bazan ở các tỉnh Tây Nguyên. Đến nay hàng năm Việt Nam đã sản xuất ra khoảng 1 triệu tấn cà phê các loại, trong đó chủ yếu là cà phê vối và là nước đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê này, ngược lại cà phê chè chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp trong ngành cà phê Việt Nam

Vị thế của cà phê chè trong ngành cà phê Việt Nam

Trong vòng ba chục năm lại đây, nghề trồng cà phê phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Từ chỗ cả nước chỉ có vài chục ngàn hecta cà phê các loại, đến nay đã có khoảng 535.000 hecta cà phê, trong đó cà phê Robussta (cà phê vối) chiếm 93%, cà phê Arabica (cà phê chè) trên 6% và cà phê mít chỉ có dưới 1% . Cần nói thêm, vì giá trị thương phẩm thấp nên diện tích cà phê mít đang giảm dần (Đoàn Triệu Nhạn 2011).

Một vùng canh tác cà phê Chè - Việt nam
Một vùng canh tác cà phê Chè

Đối với cây cà phê vối (Coffea Canephora) được trồng ở nước ta, hầu hết là thuộc chủng Robusta cho năng suất cao và có khả năng kháng bệnh. Từ những năm 1980 ngành cà phê vì chưa có biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cà phê chè có hiệu quả nên đã có chủ trương mở rộng diện tích cà phê vối trên vùng đất đỏ bazan ở các tỉnh Tây Nguyên. Đến nay hàng năm Việt Nam đã sản xuất ra khoảng 1 triệu tấn cà phê các loại, mà vẫn thiếu vắng đáng kể sản lượng cà phê chè.

Khởi sự của cây cà phê chè Việt Nam

Cây cà phê chè (coffea arabica) trước đây được trồng khá rộng rãi ở miền Bắc với chủng chủ yếu là Typica, và có một phần là Bourbon. Tuy nhiên vì tác hại của sâu bệnh, chủ yếu là sâu đục thân mình trắng (xylotrechins quadrpes chev) còn gọi là sâu Bore và bệnh gỉ sắt (do nấm Hemileria Vvastatrix) nên chúng ta chưa được dưa vào kế hoạch phát triển. Trong vòng 20 năm lại đây do kết qủa khả quan của công tác chọn tạo giống, với sự ra đời của cây cà phê chè Catimor (là cây lai giữa Timor Hybrid và Caturra) có khả năng chống bệnh gỉ sắt chúng ta mới đặt vấn đề mở rộng diện tích cà phê chè.

Từ cây cà phê chè Catimor F6 được đưa vào sản xuất từ năm 1996 đến nay chúng ta lại tiếp tục nghiên cứu lai tạo và đưa ra những giống cà phê chè cho năng suất cao, kích cỡ hạt lớn và chất lượng nước uống được cải thiện so với Catimor như các giống TN1, TN2. Đến nay cây cà phê chè đã được nhiều địa phương quan tâm, và đưa vào kế hoạch phát triển và đã đạt được kết quả khả quan.

Catimor
Giống cà phê Catimor được canh tác tại Đà Lạt -Việt Nam

Tuy nhiên, để có một chương trình phát triển cà phê Arabica ở Việt Nam đúng đắn, có hiệu quả cao, việc nghiên cứu điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội nhằm khai thác tiềm năng của khí hậu, đất đai các vùng sinh thái trên đất nước ta là một việc làm cần thiết và cần phải được đầu tư hơn – Đoàn Triệu Nhạn

Ba vùng trong điểm canh tác cà phê chè

Trước tiên ta phải nhắc lại hình chữ “S” của Việt Nam trải dài trên vùng vĩ tuyến bắc, từ 8.35’(mũi Cà Mau) đến 23.33’ (mỏm Lũng Cú Hà Giang). Có nghĩa là nước ta nằm trong vùng vĩ độ tối thích cho sự phát triển của cây cà phê (từ khoảng 23 độ vĩ bắc đến 23 độ vĩ nam).

Vành đai cà phê thế giới
Vành đai cà phê “word coffee belt”

Có khoảng 70 quốc gia trồng cà phê trên toàn thế giới, tất cả đều nằm trong khoảng 1.000 dặm (1609.34 km) quanh đường xích đạo (Gourmet Coffee Lovers)

“Yếu tố thiên thời” này cộng với điều kiện thổ nhưỡng phù hơp như đất Bazan, độ cao tối thích và lượng mưa tương đối… Đã cho phép ngành cà phê canh tác giống Robusta yêu cầu khí hậu nóng ẩm ở phía Nam và giống Arabica thích nghi với khí hậu ôn hòa hơn ở phía bắc (có cả một số vùng cao rải rác ở phía nam). Ngẫu nhiên mà nói, đây là một chiến lược khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu và lao động của cả nước một cách hợp lý, mang lại hiệu quả cao. Sau đây là ba vùng sinh thái trồng cà phê chè trên địa bàn cả nước:

1. Vùng cà phê chè Tây Bắc

Tây Bắc Việt Nam là vùng có địa hình chia cắt phức tạp, gồm một số núi trung bình và núi cao bao quanh các bồn địa lớn, nhỏ, trong đó có những cao nguyên như cao nguyên Sơn La, cao nguyên Mộc Châu… Dãy Hoàng Liên Sơn chạy dài liền một khối theo hướng Tây Bắc- Đông Nam như một bức tường thành chia Tây Bắc thành hai vùng khí hậu: đông Hoàng Liên Sơn và tây Hoàng Liên Sơn. Điện Biên, Lai Châu, Sơn La là những tỉnh thuộc Tây Hoàng Liên Sơn, là một vùng núi thấp có độ cao từ 500 đến 1500 m nằm khuất sau dãy Hoàng Liên Sơn rất thuận lợi cho canh tác cà phê chè.

Đồng thời khi nhắc đến Tây Bắc, cũng có thể kể đến phần lãnh thổ nằm bên hữu ngạn sông Hồng của hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Các huyện vùng cao Yên Bái như Trấn Yên, Trạm Tấn… đây là các vùng canh tác cà phê chè khả thi nhất.

Xem thêm: Cà phê chè Tây Bắc

2. Cà phê chè Miền Trung – Bề dày truyền thống

Tiếp nối với vùng cà phê chè Tây Bắc là dải đất miền trung với 2 vùng lớn: Thanh Nghệ Tĩnh chủ yếu là Nghệ An và Bình Trị Thiên chủ yếu là Quảng Trị. Hai vùng này phân ranh giới bởi dãy núi Hoành Sơn của dải Trường Sơn bắc ăn ngay ra biển và nối 2 vùng là Đèo Ngang nổi tiếng.

Một vườn cà phê tại Khe Sanh - Quảng Trị
Một vùng cà phê chè tại Khe Sanh – Quảng Trị

Cũng cần nói thêm, Cây cà phê chè đầu tiên được đưa vào trồng thử ở địa phận nhà thờ Sen Bàng – Quảng Bình. Nhưng vùng cà phê chè lại được mở đầu từ những đồn điền cà phê Phủ Quỳ Nghệ An từ những năm đầu thập kỷ 1910. Từ đó, cà phê Phủ Quỳ đã được nhiều người biết đến từ những năm 1960. Trạm nghiên cứu cây nhiệt đới Phủ Quỳ là cơ quan khoa học kỹ thuật về cà phê đầu tiên của nước ta thành lập vào tháng 4 năm 1960 cùng trên mảnh đất này.

Ngày nay, ngoài những giống Arabica truyền thống (Catimor) được trồng từ trước. Viện Khoa học Kinh tế Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên đã lai tạo ra nhiều giống cà phê Arabica có năng suất và chất lượng cao điển hình như TN1 và TN để dưa vào canh tác tại Khe Sanh (Quảng Trị) và Phủ Quỳ (Nghệ An).

Xem thêm: Vùng cà phê chè Miền Trung

3. Vùng cà phê chè Tây Nguyên và những lợi thế

Qua đèo Hải Vân về phía Nam, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở đây rất thích hợp cho cà phê Robusta. Và đây chính là địa bàn phát triển hàng nửa triệu hecta cà phê vối của nước ta, và đưa nước ta lên vị trí đứng đầu về sản xuất cà phê vối trên toàn cầu. Tuy nhiên trên cả miền địa lý khí hậu phía Nam rộng lớn này cũng vẫn xen kẽ có những vùng có khí hậu đặc thù phù hợp với cây cà phê chè. Yếu tố tạo nên những vùng cà phê chè này là độ cao trên mực nước biển. Tiêu biểu nhất là vùng cà phê chè Lâm Đồng. Ngoài Lâm Đồng còn có thể nêu lên một số vùng cao nữa như Kon Plong tỉnh Kon Tum, tỉnh Đak Nông và cả vùng Vĩnh Sơn tỉnh Bình Định.

Không có tiêu đề
Nông trại cà phê chè tại Lâm Đồng

Xem thêm: Vùng cà phê chè Tây Nguyên

Tiềm năng phát triển cà phê chè Việt Nam

Từ các nội dung đã trình bày trên, qua các vùng cà phê chè cả nước có thể thấy cần xác định phương hướng phát triển cà phê chè ở Việt Nam chuẩn xác hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một nước sản xuất cả 2 loại cà phê chè và vối. Trong tổng diện tích cà phê cả nước được xác định là 500.000ha cà phê, có thể đưa diện tích cà phê chè lên trên 100.000ha chủ yếu trên các địa bàn: tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Bắc.

Catimor
Chúng ta còn rất nhiều giống Arabcia phù hợp, thay vì tập trung vào mũi nhọn Catimor chủ lực đang dần suy yếu

Thông qua việc tái canh cây cà phê mà chủ yếu là cà phê vối, có thể xem xét thay một số diện tích cà phê vối bằng diện tích cà phê chè ở các vùng thích hợp. Để thực hiện được mục tiêu này có nhiều việc phải làm như nghiên cứu chọn tạo giống cà phê chè thay thế giống Catimor hiện có, nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là tác hại bộ rễ cà phê như tuyến trùng, rệp sáp… Đồng thời, cũng không thể không nghĩ đến những biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất cà phê ở Việt Nam

Cất công “Cơ cấu” lại cây cà phê chè?

Bài viết khá dài, mang đậm tính nghiên cứu, trình bày hơn là chia sẻ như lối viết quen thuộc của Prime Coffee, Song với lượng kiến thức khiêm tốn tích lũy được, Prime xin mạn phép phổ quát vấn đề thay đổi cơ cấu cà phê chè và vối ở Việt Nam vì các lẽ sau:

Hiện nay chúng ta đã có cơ sở kỹ thuật để phát triển sản xuất cà phê chè, đây là giống mới ở Việt Nam (nhưng không thực sự mới trên toàn thế giới) đáp ứng được các yêu cầu của sản xuất. Cà phê chè đã không còn là trở ngại của nông nghiệp mà ngược lại đang là cơ hội đón đầu làn sóng phát triển cà phê toàn cầu.Điều này được minh chứng rõ qua nỗ lực nghiên cứu cà phê Arabcia của Word Coffee ResearchSCA

Prime Cofee Vung nguyen lieu ca phe nguyen ban
Phần lớn cà phê vối đang canh tác thuộc diện cần được tái canh – Với điều kiện khí hậu thuận lợi, nhiều vùng có thể chuyển đổi cơ cấu sang cà phê Chè

Yêu cầu của thị trường đối với cà phê chất lượng cao là xu hướng không thể khuất phục. Từ lịch sử nguồn gốc, đến tiềm năng chất lượng, cho thấy cà phê Arabcia chứ không phải Robusta thống lĩnh toàn ngành cà phê toàn thế giới. Về vấn đề này xin trình bày kỹ hơn một chút:

  • Trước hết là nhu cầu uống cà phê hàng ngày ở các thị trường ổn định biến đổi theo chiều hướng tăng lên ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế – Điều này được minh chứng qua 300 năm lịch sử ngành cà phê thế giới trong Uncommon Grounds: The History of Coffee and How It Transformed Our World.
  • Thứ hai là sự đòi hỏi của các thị trường mới nổi lên cũng tăng, các nước sản xuất cà phê cũng tăng lượng tiêu dùng. Tiêu biểu như Brazil – Quốc gia đứng đầu về sản xuất cà phê hiện đang đứng thứ hai về lượng cà phê tiêu thụ.
  • Thêm vào đó, tác động của làn sóng cà phê thứ ba trên thị trường đòi hỏi cà phê chất lượng cao (chỉ có thể là cà phê Arabcia) đang tăng lên một cách mạnh mẽ trong khi các loại cà phê giá rẻ như cà phê hòa tan (được chế biến từ Robusta) đang mất dần tầm quan trọng của nó.
Theo https://primecoffea.com

TIN TỨC KHÁC