Bangladesh sẽ giảm nhập khẩu gạo
“Trong năm tài chính 2018 – 2019 tới, Bangladesh có thể sẽ không còn tích cực mua gạo như năm nay. Nước này có thể sẽ chỉ nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo,” Reuters trích lời của ông Nitin Gupta, Phó chủ tịch Tổ chức Olam Ấn Độ, cho biết.
Một thương lái ở Mumbai khẳng định: “Năm tới, chính phủ Bangladesh sẽ không cần phải vội vàng mua gạo nữa. Lượng gạo tồn kho hiện đã cải thiện đáng kể.”
|
Bangladesh sẽ giảm mạnh nhập khẩu gạo trong niên vụ 2018 – 2019. (Nguồn: Phnom Penh Post) |
Người đứng đầu Cơ quan thương mại lúa gạo của Bangladesh, ông Badrul Hasan, cũng tự tin rằng nước này sẽ ít phải mua gạo trong những tháng tới vì nguồn cung lớn và dự trữ tăng. Theo số liệu của Bộ Lương thực Bangladesh, tồn kho gạo đã tăng lên 1 triệu tấn, từ mức thấp nhất 10 năm ở 245.000 tấn được ghi nhận vào tháng 5/2017.
Tính đến thời điểm hiện tại của năm tài chính 2017 – 2018, Bangladesh đã nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo, tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ 133.000 tấn).
Sản lượng gạo của Bangladesh tăng nhờ nông dân tăng diện tích cấy trồng
Trong năm 2017, giá gạo tại Bangladesh tăng vọt vì dự trữ gạo cạn kiệt và buộc chính phủ phải đàm phán mua gạo từ một số nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Giá gạo tăng mạnh đã kích thích nông dân Bangladesh mở rộng diện tích trồng lúa trong vụ Boro (vụ lúa hè) lên hơn 4,9 triệu ha, cao hơn mục tiêu là 4,7 triệu ha, Giám đốc Sở Phát triển nông nghiệp Bangladesh Mohammad Mohsin cho biết.
Ông Mohsin dự báo sản lượng gạo từ vụ Boro sẽ tăng gần 6% lên 19 triệu tấn. Hiện tại, nông dân đã bắt đầu thu hoạch vụ lúa Boro và có thể kết thúc vào tuần đầu tiên của tháng 7. Vụ Boro thường đóng góp hơn một nửa sản lượng gạo của Bangladesh trong một năm.
Cũng theo dự báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo niên vụ 2018 – 2019 của Bangladesh sẽ đạt 34,7 triệu tấn, tăng 6,3% so với niên vụ hiện tại.
Việc Bangladesh giảm nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Ấn Độ, đối tác cung cấp gạo lớn nhất hiện nay cho Bangladesh.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng