So với hồ tiêu, cây cà phê cũng chiếm một vị thế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Cư Kuin. Theo đó, nhiều chương trình, dự án phát triển cà phê bền vững được triển khai, trong đó đã thành lập được 5 tổ hợp tác (THT) sản xuất cà phê bền vững. Ông Bùi Văn Hoàn, Chủ nhiệm THT Đoàn Kết (xã Ea Tiêu) cho biết, trong tổ có 5 nhóm với 120 thành viên, tổng diện tích hơn 400 ha. Khi chưa có THT, nông dân làm cà phê ở đây chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính nên năng suất thấp, chi phí đầu tư nhiều, thu nhập không cao.
|
Cán bộ nông nghiệp huyện Cư Kuin đang trao đổi với nông dân về kỹ thuật canh tác cà phê bền vững. |
Khi Dự án tạo giá trị chia sẻ trong ngành cà phê Việt Nam của E.D.E triển khai trên địa bàn huyện (năm 2013) và Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT, năm 2016), các hộ trồng cà phê ở đây được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về khoa học kỹ thuật từ khâu bón phân, tưới nước đến phương pháp canh tác, thu hái, bảo quản sản phẩm theo quy định và có thể chủ động hơn trong sản xuất. Sau một thời gian áp dụng những kiến thức đã học, vườn cây của các nhóm sản xuất có sự thay đổi rõ rệt, năng suất cao hơn từ 20-30%, chi phí đầu tư lại giảm đi (khoảng 40-50%), nhờ bón phân, nước tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật cân đối, phù hợp với thể trạng của vườn cây; đồng thời, thu hái bảo đảm quả chín trên 80% trở lên nên chất lượng sản phẩm được đánh giá cao hơn so với những vườn sản xuất theo truyền thống. Để minh chứng cho những lời mình nói, ông Hoàn đã dẫn chúng tôi đi thăm một số vườn cây của hộ thành viên, thực tế cho thấy các vườn cây phát triển rất tốt, cây khỏe, trái nhiều và môi trường sinh thái được các hộ quan tâm bảo vệ (không vứt vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường xung quanh). Ông Hoàng Văn Nhân, thành viên THT chia sẻ, gia đình có 1,9 ha cà phê, nhờ nắm vững các kỹ thuật, quy trình trong canh tác nên nông dân hoàn toàn chủ động trên vườn cây, nhất là việc tưới nước hợp lý, bón phân cân đối theo nhu cầu của cây chứ không làm tràn lan như trước đây. Nhờ vậy, vườn cây rất khỏe, năng suất cao, đạt 4 tấn/ha (trước đây 2,5-3 tấn/ha) mà người nông dân lại không tốn nhiều công sức và chi phí đầu tư như trước đây.
|
Ông Hoàng Văn Nhân (xã Ea Tiêu) đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. |
Theo các hộ thành viên khác, việc thực hiện sản xuất cà phê bền vững đã làm thay đổi nhiều thói quen canh tác lâu nay của người trồng cà phê, các khâu đều phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật và được ghi chép cẩn thận trong sổ nhật ký nông hộ để theo dõi. Lúc đầu nhiều người cảm thấy không thoải mái nhưng lâu dần cũng thành nếp và đã nâng cao trình độ canh tác của nông dân. Điều làm các hộ dân phấn khởi hơn là không chỉ sản lượng tăng thêm mà giá trị hạt cà phê của bà con cũng được nâng lên với giá bán cao hơn và đầu ra ổn định hơn.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm khuyến nông huyện cho biết, năm 2016 huyện đã thành lập 5 tổ THT sản xuất cà phê bền vững từ 33 nhóm cùng sở thích (do Dự án E.D.E thành lập) để thực hiện dự án của VnSAT. Việc thành lập các tổ chức nông dân để cùng sản xuất cà phê bền vững sẽ giúp nông dân hình thành được thói quen sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, từ đó gia tăng giá trị cho hạt cà phê, bảo vệ được sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái, đồng thời tạo cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Huyện cũng đang kỳ vọng Dự án VnSAT sẽ giúp các hộ trồng cà phê thực hiện tốt việc tái canh cà phê để nâng cao năng suất, sản lượng cà phê trên địa bàn.
Theo Phòng NN-PTNT huyện, trên địa bàn huyện hiện có trên 12.445 ha cà phê, trong đó hơn 4.177 ha do doanh nghiệp quản lý, khoảng 8.268 ha thuộc nông hộ. Năm 2017, các địa phương thực hiện tái canh được trên 733 ha kế hoạch, đạt 108,96 %, trong đó, của nông hộ hơn 498 ha và của doanh nghiệp là 235 ha. |
Theo Baodaklak.vn