Cập nhật ngày:
09 | 05 | 2017
FAO vừa nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2017 thêm 430.000 tấn so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2016. Điều chỉnh này chủ yếu phản ánh dự báo nhập khẩu gạo của Philippines tăng khi các lô hàng gạo mua từ hồi năm ngoái được giao đến thị trường này trong những tháng đầu năm 2017.
Dự báo sản xuất nội địa giảm cũng là nguyên nhân dẫn đến dự báo tăng nhập khẩu gạo tại Madagascar và Sri Lanka, trong khi điều chỉnh tăng dự báo nhập khẩu gạo của Iran là do điều chỉnh số liệu lịch sử. Mức tăng dự báo nhập khẩu tại các nước này vượt mức giảm dự báo tại các khu vực khác, bao gồm: Trung Quốc, EU và Malaysia. Về phía cung, phần lớn dự báo tăng xuất khẩu diễn ra tại Thái Lan, Malaysia; trong khi FAO dự báo xuất khẩu gạo từ Ai Cập, Pakistan và Việt Nam giảm so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2016.
Xét đến những thay đổi này, FAO cho rằng thương mại gạo toàn cầu năm 2017 sẽ đạt 43,3 triệu tấn, tăng từ mức dự báo 41,6 triệu tấn mà tổ chức này đưa ra hồi cuối năm 2016. Dự báo tăng trưởng thương mại 4% này đến từ dự báo sản lượng giảm và nỗ lực tăng cường các kho dự trữ sẽ dẫn tới hoạt động mua sôi động hơn từ những nước nhập khẩu lớn tại châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, trong bối cảnh sản xuất tương đối bội thu và vấn đề tiền tệ hoặc các rào cản chính sách còn tiếp diễn, lượng gạo giao dịch tại cả hai lục dịa này được dự báo sẽ thấp hơn mức kỷ lục được ghi nhận trước đây.
Nhu cầu nhập khẩu được dự báo suy giảm tại châu Mỹ và châu Âu do tình hình nguồn cung còn tương đối dồi dào.
Trong bối cảnh này, cạnh tranh thị trường giữa các nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới có thể sẽ tiếp tục diễn ra khốc liệt trong năm 2017. Mặc dù Ấn Độ vẫn đang ghi nhận mức xuất khẩu dẫn đầu thị trường nhưng vị thế này sẽ ngày càng bị lung lay bởi xuất khẩu gạo ngày càng tăng từ Thái Lan. Sản xuất lúa gạo tại Thái Lan năm 2017 được dự báo phục hồi mạnh và chính phủ nước này tiếp tục kế hoạch xả kho gạo công sẽ củng cố khả năng cạnh tranh của Thái Lan trên thị trường gạo thế giới, đẩy triển vọng xuất khẩu gạo của nước này tăng mạnh. Úc, Myanmar, Paraguay, Uruguay và Việt Nam cũng được dự báo tăng xuất khẩu trong năm 2017 so với năm 2016. Trong khi đó, nhu cầu giảm từ các thị trường xuất khẩu truyền thống sẽ làm giảm xuất khẩu từ Campuchia. EU, Guyana và Nga. Và nguồn cung suy yếu cũng được dự báo sẽ làm giảm xuất khẩu từ Argentina, Brazil và Pakistan trong năm 2017.
Theo Gappingworld