Cập nhật ngày:
13 | 04 | 2017
Một nhà tư vấn chính sách độc lập tại Jakarta vừa khuyến nghị rằng chính phủ nước này cần nhập khẩu thêm thực phẩm thiết yếu trước lễ Ramadan do các chính sách hiện thời nhằm giảm giá thực phẩm chưa có tác động như kỳ vọng.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu chính sách Indonesia (CIPS) một gia đình điển hình có 4 thành viên tại Jakarta có thể tiết kiệm 30 USD mỗi tháng cho các hàng tạp hóa trong tháng 3 nếu giá các hàng hóa này hợp túi tiền như các nước trong khu vực. Theo chỉ số chi tiêu hộ gia đình hàng tháng của trung tâm này tính toán, gần 23% thu nhập hộ gia đình tại Indonesia bị mất đi do giá thực phẩm tăng trong tháng 2/2017. Chỉ số này theo dõi giá của các hàng hóa thực phẩm cơ bản – bao gồm đường, thịt bò, gạo, trứng và thịt gà – tại các thành phố lơn trên khắp các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, bao gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
Chi phí hàng tạp hóa tại đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới này được dự báo tăng mạnh trong những tuần tới do mọi người chuẩn bị tháng ăn kiêng Ramadan bắt đầu vào tháng 5. “Giá thực phẩm tại Indonesia đã bắt đầu tăng 2 tháng trước lễ Ramadan”, theo ông Hizkia Respatiadi, một nhà nghiên cứu tại CIPS cho biết. “Nếu chính phủ không tạo điều kiện tiếp cận thực phẩm thiết yếu rẻ hơn, tất cả chúng ta phải trả giá cho quyết định này”. Ông Hizkia cho rằng thiếu tiếp cận với thực phẩm chất lượng cao, hợp túi tiền sẽ tác động tới các hộ gia đình nghèo nhiều nhất và có thể khiến thế hệ trẻ hơn phải chịu đựng tình trạng suy dinh dưỡng và chậm lớn.
Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), có khoảng 386.000 cư dân tại Jakarta sống dưới 521.000 Rupiah/tháng. Nghiên cứu của CIPS cho thấy rằng một gia đình 4 thành viên có thể tiết kiệm 233.000 Rupiah/tháng nếu giá gạo tại nước này tương đương giá gạo tại Thái Lan. CIPS cũng nhấn mạnh rằng giá gạo trên thị trường toàn cầu giảm 4,4% trong tháng 2/2017 so với cùng kỳ năm 2016, nhưng giá gạo tại Indonesia vẫn duy trì ổn định. “Trong ngắn hạn, Indonesia cần nhập khẩu thêm các hàng hóa thực phẩm thiết yếu để duy trì giá ở mức thấp”, ông Hizkia nhận định. Ông cho biết hạn ngạch nhập khẩu thịt bò hiện đang khuyến khích tham nhũng giữa các chính trị gia và doanh nghiệp, thay vì giúp thịt bò có giá hợp túi tiền hơn.
Tuy nhiên, chính phủ Indonesia vẫn tự tin rằng các chính sách hiện hành sẽ đủ để tránh giá thực phẩm tăng mạnh trước lễ Ramadan. Một trong những biện pháp của chính phủ để đảm bảo giá thực phẩm hợp túi tiền là Sea Toll Road – được triển khai vào nằm 2015 – cung cấp một mạng lưới các lô hàng thực phẩm định kì tại các cảng trên khắp quần đảo, nhằm mục đích giảm chênh lệch giá giữa các đảo. Một cổng trực tuyến được tài trợ bởi ngân hàng trung ương, Hargapangan.id, cho biết giá thực phẩm trung bình và tình trạng khan hiếm trên toàn quốc, một chỉ báo hữu ích cho chính phủ trong điều hành điều phối thực phẩm theo nhu cầu. Bộ Tài chính và cơ quan chống độc quyền là Hội đồng giám sát cạnh tranh kinh doanh (KPPU) cũng đã ký một biên bản ghi nhớ trong tháng 3, đồng ý về trao đổi thông tin để ngăn chặn tình trạng cấu kết nhập khẩu sau khi đẩy giá các hàng hóa thực phẩm cơ bản tăng mạnh.
Theo Jakarta Globe
Theo Gappingworld