Ngày 30/3/2017, hai tổ chức này đã ký kết hiệp định nhằm mở rộng và tăng cường các hệ thống canh tác lúa bền vững thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, bao gồm trợ giúp các chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách, chiến lược quốc gia và khu vực - vì lợi ích của các hộ sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ.
Tổng giám đốc của IRRI, ông Matthew K. Morell cho biết: "Trong những thập kỷ tới, thế giới phải đối mặt với những thay đổi đáng kể để sản xuất ra đủ lương thực có chất lượng cho 10 tỷ người trên thế giới. Để giải quyết các vấn đề này cần nỗ lực toàn cầu; thông qua Biên bản ghi nhớ này cam kết sẽ làm việc với FAO để tăng cường sản xuất lúa gạo và các hệ thống lương thực bền vững thông qua nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, trao đổi kiến thức và phân tích các bằng chứng thực tế để đề xuất chính sách hỗ trợ".
Cơ quan Khí hậu và Tài nguyên thiên nhiên của FAO cho biết, hơn ba tỷ người trên toàn thế giới ăn cơm mỗi ngày nên gạo rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Đảm bảo sản xuất lúa gạo bền vững là đóng góp quan trọng đến mục tiêu toàn cầu về chấm dứt nạn đói. Hợp tác với IRRI sẽ giúp FAO mở rộng, bổ sung và tăng cường các hoạt động nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Vì chuỗi giá trị lúa gạo bền vững
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, lúa gạo là cây trồng chính phục vụ an ninh lương thực và xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng. Trong khi đó, sản xuất lúa gạo dễ bị ảnh hưởng trước những tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu như thời tiết khắc nghiệt (hạn hán, lũ lụt). FAO và IRRI đang tích cực thúc đẩy các hoạt động canh tác lúa bền theo chuỗi giá trị từ sản xuất, tiếp thị và tiêu dùng nhằm tối ưu hóa các đặc tính dinh dưỡng, cải thiện sinh kế và giải quyết vấn đề đói nghèo, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
FAO đã phát triển chương trình Sáng kiến Lúa gạo khu vực Châu Á và Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy khả năng chống chịu của cây lúa đồng thời nâng cao hiệu quả và thu nhập của nông dân. Tại châu Phi và Mỹ Latinh, cơ quan Liên Hợp Quốc đã kết hợp khoa học và kỹ thuật để tăng sản lượng, năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch và cải thiện chất lượng.
IRRI tham gia vào việc tăng cường năng lực của các tác nhân trong ngành lúa gạo thông qua các hoạt động phát triển năng lực, bao gồm giáo dục (IRRI education) và Diễn đàn lúa gạo bền vững (SRP). SRP là một liên minh toàn cầu nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và thương mại bền vững, các hoạt động sản xuất và tiêu dung, các chuỗi cung ứng trong ngành gạo toàn cầu. SRP đã thiết lập hệ thống tiêu chuẩn lúa gạo bền vững. Thông qua SRP, IRRI hướng đến mục tiêu sử dụng các tiêu chuẩn về môi trường và kinh tế xã hội để duy trì năng suất cho các nông hộ nhỏ, giảm thiểu tác động tới môi trường trong canh tác lúa gạo và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về an toàn và chất lượng thực phẩm. Cùng với đó, IRRI Education cũng tăng cường năng lực thông qua mạng lưới khuyến nông rộng khắp của IRRI.
Cải tiến giống, chuyển giao kiến thức
FAO và IRRI sẽ cùng hỗ trợ các nước sản xuất lúa gạo áp dụng các giống lúa đã được cải tiến và thích nghi, tăng cường sử dụng giống được chứng nhận và chuyển giao kiến thức về quản lý dịch bệnh thông qua “trường học nông hộ”.
Hai tổ chức cũng tập trung xử lý các vấn đề sau thu hoạch, giúp nông dân và các nhà sản xuất lúa gạo nâng cao gia tăng thông qua phát triển các sản phẩm phụ, sử dụng hợp lý các phụ phẩm từ gạo để tạo năng lượng, thức ăn gia súc và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Ngoài ra, FAO và IRRI cũng đảm bảo phụ nữ tham gia vào các cơ hội kinh doanh khả thi, an toàn, có uy tín trong chuỗi giá trị lúa gạo, và cải thiện điều kiện làm việc.
Nguồn: http://www.fao.org/news/story/en/item/854617/icode/
AGROINFO