CÀ PHÊ

Sản lượng sụt giảm, niên vụ 2024/25, xuất khẩu cà phê dự báo đạt 6 tỷ USD

Cập nhật ngày: 14 | 10 | 2024

Niên vụ cà phê 2024/25 của Việt Nam đã bắt đầu thu hoạch. Thời tiết bất lợi khiến sản lượng dự kiến chỉ đạt 1,47 triệu tấn, nhưng xuất khẩu có thể đạt 6 tỷ USD.

Nhiều yếu tố hỗ trợ cho giá cà phê

Tháng 9/2024, giá cà phê thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới do lo ngại thời tiết không thuận lợi và tì1qnh trạng thiếu hụt nguồn cung từ hai quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Brazil và Việt Nam chưa được cải thiện, tình trạng tắc nghẽn vận chuyển qua Biển Đỏ và đồng USD suy yếu là các yếu tố hỗ trợ giá cà phê.

Sản lượng sụt giảm, niên vụ 2024/25, xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ đạt 6 tỷ USDẢnh: choicerheumatology
Sản lượng sụt giảm, niên vụ 2024/25, xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ đạt 6 tỷ USD. Ảnh: choicerheumatology

Theo Hãng tư vấn Hedgepoint, dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 của Brazil sẽ đạt 63 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với niên vụ trước; trong khi đó, sản lượng cà phê của Việt Nam ước tính khoảng 27 triệu bao, thấp hơn dự báo trước đó.

Thị trường cà phê toàn cầu có thể thâm hụt năm thứ 4 liên tiếp, do sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam và Brazil, đồng thời nhận định giá cà phê sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản trong thời gian tới.

Trước đó, Cơ quan cung ứng nông nghiệp Brazil (Conab) cũng điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê của Brazil niên vụ 2024 xuống còn 54,8 triệu bao, giảm so với mức 58,8 triệu bao được dự báo trước đó. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm sản lượng ở cả hai quốc gia là do thời tiết bất lợi. Tại Brazil, mặc dù đã có mưa, nhưng lượng mưa lại không đủ, khiến một số khu vực vẫn chịu tình trạng khô hạn cục bộ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, sau nhiều tháng có mưa, năng suất cà phê đã được cải thiện so với đầu năm khi gặp hạn hán. Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại tình trạng mưa quá mức do hiện tượng La Nina trong giai đoạn thu hoạch, điều này tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá cà phê tăng mạnh.

Tháng 9/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường Việt Nam tăng chậm hơn so với giá cà phê thế giới. Trên thị trường nội địa, giao dịch mua bán cà phê diễn ra khá trầm lắng do nguồn cung khan hiếm. Thị trường dự kiến sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi vụ thu hoạch mới được bắt đầu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2024 xuống mức thấp nhất từ đầu năm tới nay, ước đạt 65,0 nghìn tấn, trị giá 355,0 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 11,6% về trị giá so với tháng 8/2024; tuy nhiên so với tháng 9/2023 tăng 27,6% về lượng và tăng 110,8% về trị giá.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê ước đạt 1,12 triệu tấn, trị giá 4,37 tỷ USD, giảm 10,5% về lượng, nhưng tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.

Theo ước tính, tháng 9/2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức 5.469 USD/tấn, tăng 3,6% so với tháng 8/2024 và tăng 65,2% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.897 USD/ tấn, tăng 56,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) - cho hay, ngay từ đầu mùa niên vụ vừa qua, giá cà phê đã đạt từ 60.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 – 25.000 đồng/kg so với liên vụ trước. Đáng chú ý, giá cà phê sau đó tiếp tục xu hướng tăng, có lúc vượt 130.000 đồng/kg và duy trì ở mức cao khoảng 110.000 - 120.000 đồng/kg trước khi vào niên vụ mới (2024 -2025).

Về xuất khẩu, trong niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,45 triệu tấn cà phê, dự kiến thu về 5,32 tỉ USD - giảm 12,7% về sản lượng nhưng tăng 30,4% về kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua cũng đạt mức kỷ lục của ngành này từ trước đến nay.

Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với dự kiến gần 1,23 triệu tấn, kim ngạch 4,32 tỉ USD - giảm gần 18% về sản lượng nhưng tăng 24% về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng.

Đáng chú ý, cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) xuất khẩu được khoảng 130.150 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch 898 triệu USD - tăng 44,6% về khối lượng và tăng 76% về giá trị. Điều này cho thấy ngành cà phê đã có sự gia tăng sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị xuất khẩu bên cạnh việc xuất khẩu nguyên liệu.

Dự báo xuất khẩu cà phê sẽ đạt đỉnh mới

Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - nhận định, giá cà phê nguyên liệu hiện nay hơn 5.000 USD/tấn là cao và có thể phải điều chỉnh xuống. Tuy vậy, giá cà phê vẫn sẽ đứng ở mức cao trong vòng 5 năm tới, khi sản xuất cà phê trên thế giới sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi.

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết giá cà phê Robusta đang tiến gần hơn đến giá cà phê Arabica, trong khi xuất khẩu toàn cầu tăng vọt lên mức cao mới.

Báo cáo cho biết, giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đạt trung bình 258,9 US cent/pound trong tháng 9, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng tới 69,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá của nhóm cà phê Arabica Colombia và nhóm Arabica khác tăng lần lượt là 5,9% và 6,5% so với tháng trước, đạt 279,3 US cent/pound và 278,5 US cent/pound. Tương tự, giá Arabica Brazil cũng tăng 6,2% lên 257,2 US cent/pound trong tháng 9. Đáng chú ý, giá cà phê robusta ghi nhận mức tăng mạnh nhất, tăng tới 12,8% lên 242,1 US cent/pound.

Trên thị trường kỳ hạn ICE New York và London, giá cà phê Arabica và Robusta tăng lần lượt là 6% và 13,8%, đạt 253,9 US cent/pound và 225,7 US cent/pound. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 đối với hợp đồng cà phê tương lai Arabica và là mức cao nhất kể từ tháng 5/1977 đối với hợp đồng cà phê tương lai Robusta. Chênh lệch giá giữa thị trường tương lai London và New York đã thu hẹp 31,8% xuống còn 28,2 US cent/pound vào tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2003.

Loại cà phê Robusta, vốn được định giá thấp hơn so với Arabica, đang trở nên đắt khách tại tất cả các thị trường. Giá hạt cà phê robusta đã tăng 13% trong năm qua do nhu cầu thế giới tăng, đặc biệt tại các thị trường mới nổi nơi người tiêu dùng khá để ý đến giá như Nga và Brazil.

Giá cà phê Robusta Việt Nam tăng mạnh. Trên thực tế đã có những khách hàng ở châu Âu mua cà phê Conilon (cà phê Robusta của Brazil) để thay thế cà phê Robusta Việt Nam khi chế biến cà phê hòa tan, tuy nhiên, đã không được người tiêu dùng chấp nhận. Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VICOFA, nguyên nhân là do tuy cùng là cà phê Robusta, nhưng hương vị cà phê Robusta Việt Nam có nhiều khác biệt với cà phê Conilon. “Ngay cả công ty của chúng tôi là Intimex cũng đã từng nhập khẩu cà phê Conilon về thử phối trộn vào cà phê hòa tan do tập đoàn sản xuất nhưng không thành công”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.

Theo các chuyên gia trong ngành, trước đây, giá cà phê Robusta Việt Nam khá rẻ nên được các công ty châu Âu ưu tiên sử dụng, phối trộn khi sản xuất cà phê hòa tan. Qua hàng chục năm, người tiêu dùng châu Âu đã quá quen thuộc với hương vị của cà phê Robusta Việt Nam trong các sản phẩm cà phê hòa tan. Do đó, nếu muốn thay thế cà phê Robusta Việt Nam bằng cà phê Conilon, cũng phải cần một thời gian rất dài.

Tại Việt Nam, vụ cà phê mới 2024/25 đã bắt đầu vụ thu hoạch, sản lượng dự kiến của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam là 1,47 triệu tấn, giảm mạnh so với vụ trước do thời tiết bất lợi, nhưng xuất khẩu có thể đạt 5 - 6 tỷ USD nhờ giá cao.

Giá cà phê hôm nay 13/10 trong khoảng 113.000 - 113.700 đồng/kg. Tính chung, trong tuần qua, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 giảm 241 USD/tấn. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 12 giảm 5,3 cent/lb. Giá cà phê nội địa mất trung bình 2.500 - 3.000 đồng/kg.
 

 

Nguyên Hạnh

TIN TỨC KHÁC