Theo Đại đoàn kết
Gạo Việt thâm nhập nhiều thị trường lớn
Đánh giá về bức tranh xuất khẩu ngành gạo trong năm 2022, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, con số xuất khẩu gạo của 11 tháng năm 2022 đạt 7 triệu tấn với giá trị trên 3 tỷ USD có thể nói là con số kỷ lục. Chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, EU... là những thị trường khắt khe. “Kết quả trên là cả một quá trình. Chúng ta chọn tạo bộ giống lúa, đáp ứng yêu cầu các thị trường từ thấp cấp đến cao cấp” – ông Cường nói.
Để có được những thành quả này, một phần không nhỏ ở chính sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc nâng cao chất lượng hạt gạo. Các DN đã rất chủ động trong việc liên kết với nông dân, hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu cao của những thị trường khó tính như Mỹ, EU. “Điều này cho thấy muốn xuất khẩu vào các thị trường khó, có giá trị cao thì DN, nhà sản xuất phải đi cùng nhau, DN phải bỏ tư duy buôn chuyến” – ông Cường bày tỏ quan điểm.
Thực tế trong năm 2022 ngành gạo không chỉ ghi những dấu ấn về sản lượng xuất khẩu mà quan trọng hơn, thương hiệu gạo Việt đã được định vị trên thị trường thế giới. Ngày 2/9, lần đầu tiên gạo ST25 thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long được sử dụng trong thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Nhờ vậy, gạo A An ST25 đã nhanh chóng trở thành “bữa trưa đặc biệt” của các quan chức trong Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong tờ giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản thông tin: Gạo thơm ST25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam.
Trước đó, đầu tháng 7/2022, 100 tấn gạo ST25 Việt Nam mang thương hiệu A An, đã được bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại Nhật Bản.
Việc xuất khẩu thành công gạo ST25 thương hiệu A An sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo sản lượng lớn mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của thị trường Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, để có thể đưa gạo A An thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, DN này đã phải trải qua hơn 1 năm lựa chọn sản phẩm đạt yêu cầu về kỹ thuật và vượt qua đánh giá, phân tích kiểm định trên 450 tiêu chí dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Cũng theo ông Trung, thị trường này ưa thích dòng gạo thơm, hạt dài như ST21, ST24 hay ST25. Vì thế, gạo A An nói riêng và gạo Việt Nam chất lượng cao sẽ có nhiều cơ hội đến với thị trường Nhật Bản cũng như những thị trường khó tính khác khi đã đáp ứng được những yêu cầu hết sức khắt khe.
Tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu
Cùng với ST25, tháng 9/2022, Lộc Trời trở thành DN tiên phong tự tin bước vào “sân chơi quốc tế”, bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn – Cơm Việt Nam Rice - vào Carrefour và Leclerc – 2 hệ thống phân phối hàng đầu của Pháp với gần gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc kinh doanh xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã tạo lợi thế gia tăng cạnh tranh, cũng như tăng kim ngạch xuất khẩu gạo Lộc Trời sang thị trường EU. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu của DN tăng dần theo các năm. Nếu như năm 2018, Lộc Trời chỉ xuất khẩu khoảng 2.200 tấn gạo sang EU, đến 2019 đã tăng lên 8 nghìn tấn, 2020 là 11 nghìn tấn, con số này là 12 nghìn tấn vào năm 2021. Năm 2022 ước đạt khoảng 24-25 nghìn tấn.
Những con số ấn tượng nói trên là “trái ngọt” đến từ những cố gắng, nỗ lực của các DN Việt, nhà sản xuất, nhà quản lý trong việc nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu. Song, để gạo Việt có thể giữ vững được thị phần trên thị trường thế giới, PGS. TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các DN xuất khẩu gạo cần phải liên kết chặt chẽ hơn để duy trì các thị trường lớn như EU hay Nhật Bản... Theo TS Đào Thế Anh, mặc dù diện tích sản xuất lúa gạo hữu cơ của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng khâu chế biến sau thu hoạch còn chưa đồng bộ, chưa đảm bảo các yêu cầu về hữu cơ. Đây cũng là điểm nghẽn cần phải khắc phục khi ngành gạo muốn chinh phục và vững chân trên thị trường thế giới.
Gỡ những rào cản để ngành gạo có thể duy trì tốc độ, tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu là vấn đề mà nhà quản lý đã và đang nỗ lực thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ, ngành đề xuất tháo gỡ khó khăn đối với các gói tín dụng cho vay sản xuất, xuất khẩu nông sản với Chính phủ. Về mặt thị trường, Bộ sẽ cùng Bộ Công thương hỗ trợ, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại đến các thị trường mới, trọng điểm như Trung Đông, EU… “Còn ở ngay thị trường trong nước, Bộ Công thương cũng đã tổ chức nhiều hội thảo kết nối giao thương để DN Việt có thể kết nối với các nhà nhập khẩu quốc tế” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam:
Năm 2023 tiếp tục là năm khả quan với ngành gạo
Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực của thế giới tăng lên. Theo đó, năm 2023 tiếp tục là năm khả quan với DN xuất khẩu gạo. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì gạo là lương thực thiết yếu mà quốc gia nào cũng cần, trong khi nguồn cung gạo của nhiều nước đã bị thu hẹp do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên để ngành gạo Việt vươn xa cần ưu tiên vốn cho DN để thu mua, xuất khẩu, tạm trữ, đầu tư máy móc thiết bị cho sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo. Đồng thời ổn định tỷ giá ngoại tệ. Tiếp theo ưu tiên đầu tư nghiên cứu giống gạo năng suất tốt, chất lượng cao. Khuyến khích, mở rộng vùng trồng lúa đặc sản, hữu cơ bền vững. Cùng với đó tiếp tục quảng bá gạo Việt, mở rộng thị trường, nhất là EU và Mỹ.
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
Doanh nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe
Khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn, riêng gạo thơm có giá trị cao miễn 30.000 tấn. Đến tháng 10/2022, DN xuất khẩu đã đáp ứng gần như 100% “đơn hàng” của EU. Có thể thấy, các DN Việt đã thích ứng rất nhanh với yêu cầu của thị trường, nhất là các yêu cầu về kỹ thuật, quy định, tiêu chuẩn khắt khe.