Theo Tiền Phong
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường tiếp tục tăng trong những ngày gần đây. Ngày 24/12, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 453 USD/tấn (tăng 10 USD/tấn so với đầu tháng 12); gạo 25% tấm có giá bán ở mức 438 USD/tấn (tăng 5 USD/tấn).
Không chỉ trong tháng 12, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong mấy tháng qua cũng liên tục tăng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 11, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn so với thời điểm Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo.
Hiệp hội lương thực Việt Nam đánh giá, do thị trường thế giới biến động, ảnh hưởng của chính trị, kéo theo nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, gạo Việt xuất đi các nước sẽ neo ở mức cao, thậm chí còn cao hơn các năm. Điều này cũng cho thấy, gạo Việt Nam đã xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường gạo quốc tế.
|
Gạo Việt bán trong siêu thị. |
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày được nâng cao nên được nhiều thị trường cao cấp trên thế giới lựa chọn; các nước nhập khẩu gạo lớn gồm Trung Quốc, châu Phi và khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia… đang có nhu cầu lớn mua gạo Việt Nam. Trong đó, thị trường Philippines chuộng mua các loại gạo như: DT8, OM18 và OM5451, vì ngoài chất lượng và an toàn thực phẩm thì gạo Việt Nam do tính chất mùa vụ nên luôn đảm bảo độ tươi mới.
Việc gạo Việt Nam vừa có giá bán cao, vừa đầy ắp đơn hàng trong dịp cuối năm, giúp các doanh nghiệp gạo rất phấn khởi. Một số doanh nghiệp cho biết, trong rất nhiều năm qua, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu có giá trên 1.000 USD/tấn. Cùng với đó, có 22 doanh nghiệp Việt đang được cấp phép xuất gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp vào Trung Quốc với giá cao.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, cuối năm nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu lớn nhưng do tỷ giá USD/VND tăng xấp xỉ 25.000 đồng nên họ chưa dám mua vào vì sợ lỗ dẫn đến thiếu gạo phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện nay tỷ giá USD/VND đã về dưới mức 24.000 đồng nên nhiều nước đã mạnh dạn đặt hàng với số lượng lớn, tạo tín hiệu lạc quan cho thị trường gạo Việt.
Năm 2023, Lộc Trời cố gắng sẽ xúc tiến các hoạt động thương mại, đưa các thương hiệu gạo Việt Nam sang các thị trường châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Sĩ….
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 11, gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 600.000 tấn với giá trị 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo trong 11 tháng của năm 2022 đạt lần lượt 6,7 triệu tấn và 3,2 tỉ USD (tăng 6,9% so với cùng kỳ 2021).
Dự tính, trong tháng 12, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng hơn 600.000 tấn gạo. Với đà này, năm 2022, xuất khẩu gạo đạt hơn 7 triệu tấn, trị giá kỷ lục gần 4 tỷ USD.
Dự báo, xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu; tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.