Nguồn kinhtevn.com.vn
Ông Nguyễn Nam Hải- Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của cà phê Việt Nam. Nửa đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 21.450 tấn cà phê sang thị trường Trung Quốc, đạt gần 66 triệu USD kim ngạch, tuy giảm 23,9 % về sản lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tổng số cà phê xuất khẩu sang Trung Quốc, cà phê nhân đạt trên 13.000 tấn, kim ngạch trên 24 triệu USD, cà phê chế biến sâu đạt khoảng 8.352 tấn chưa quy đổi sang cà phê nhân, đạt kim ngạch 41 triệu USD. “Cà phê đã qua chế biến chiếm tới 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc”, ông Nguyễn Nam Hải nói.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, so với các thị trường khác chủ yếu nhập khẩu cà phê nhân, Trung Quốc nhập nhiều sản phẩm đã qua chế biến. Đáng mừng, nguồn cung sản phẩm này tại Việt Nam còn nhiều, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng đã mạnh tay đầu tư cho chế biến cà phê rang xay, hoà tan, 3 trong 1 với những thương hiệu đã được định vị trên thị trường như Trung Nguyên, Vinacafé Biên Hoà, An Thái, Phương Vy… Nhiều sản phẩm chế biến sâu đã đáp ứng được thị trường Trung Quốc.
Cà phê Việt Nam được các chuyên gia nhìn nhận còn nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại Trung Quốc. Nguyên do, thuận lợi về vị trí địa lý đã giúp cà phê Việt tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển, tạo lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ. Mặt khác, do người tiêu dùng Trung Quốc khá cởi mở, dễ dàng chấp nhận dùng thử sản phẩm mới, do vậy còn nhiều “đất” cho các loại cà phê đã qua chế biến của Việt Nam thâm nhập thị trường.
Trung Quốc không chỉ hấp dẫn cà phê Việt bởi quy mô tiêu dùng tỷ dân mà còn là cửa ngõ để tiến sang các nước, nhất và Nga, từ đó đi tiếp sang các nước châu Âu. Ông Tôn Chính - Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê thành phố Trùng Khánh kiêm Phó Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Trùng Khánh(Trung Quốc) cho biết: Tuyến đường sắt từ Việt Nam tới Nga qua Trung Quốc rất thuận tiện, chi phí rẻ. Trong bối cảnh vận chuyển đường biển đang khó khăn, chi phí lớn, bằng đường sắt là một lựa chọn tốt cho hàng hoá nói chung, cà phê nói riêng xuất khẩu sang Nga.
Ông Tôn Chính cũng cho biết thêm: Nga có nhu cầu khoảng 100.000 tấn cà phê nhân mỗi năm, là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu cà phê Việt Nam.
Từ kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu thị trường, ông Wilson Li Wuqiang- Đại diện Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tại Thượng Hải cho biết: Trung Quốc là thị trường rất lớn và đa dạng cần áp dụng nhiều cách tiêu thụ khác nhau.
“Tại Thượng Hải, cà phê Trung Nguyên không chỉ được bán ở những kênh phân phối lớn mà còn được chia gói nhỏ bán tại các cửa hàng mini, cửa hàng tạp hoá, bán lẻ với mục tiêu tiếp cận nhiều nhất người tiêu dùng”, ông Wilson Li Wuqiang ví dụ.
Dù là thị trường mơ ước với quy mô tiêu dùng lớn nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước khá boăn khoăn với những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu gần đây của Trung Quốc, nhất là chính sách phòng chống dịch Covid-19.
Thảo luận với doanh nghiệp Việt Nam, ông Tôn Chính thông tin:Từ năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu tất cả cà phê nhân nhập khẩu phải đăng ký tại cơ quan hải quan trước khi nhập khẩu.
Trung Quốc không có yêu cầu đặc thù với bao bì đóng gói cà phê nhập khẩu. Liên quan đến việc kiểm tra, kiểm dịch cũng không có yêu cầu đặc biệt ngoài chứng nhận xuất xứ hàng hoá. “Chính sách phòng dịch của Trung Quốc đã mở hơn, doanh nghiệp chúng tôi vẫn nhập khẩu hàng hoá bình thường và không gặp nhiều khó khăn”, ông Tôn Chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ 3 từ Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý và đáp ứng yêu cầu của nước thứ 3.
Về vấn đề thanh toán, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê thành phố Trùng Khánh cho hay: Doanh nghiệp Trung Quốc chấp nhận thanh toán cả bằng đồng USD và nhân dân tệ. Tuy nhiên, do xung đột Nga- Ukraine, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Nga qua Trung Quốc việc thanh toán bằng đồng USD sẽ khó khăn, dù có thể khắc phục nhưng về lâu dài nên chuyển về nhân dân tệ sẽ thuận lợi hơn.
Trước mối quan tâm và mong muốn tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng cà phê Arabica của Việt Nam, ông Tôn Chính cho hay: Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta vào Trung Quốc, tuy nhiên trên thị trường hiện có một số sản phẩm cà phê Arabica đang được tiêu thụ. Chứng tỏ sản phẩm này đã có thị phần nhưng chưa đa dạng các dòng sản phẩm. “Chúng tôi rất mong doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu, định hướng kế hoạch phát triển sản phẩm cà phê Arabica chất lượng cao để có cơ hội hợp tác đưa sản phẩm cà phê cao cấp hơn vào thị trường Trung Quốc”, ông Tôn Chính bày tỏ.