Nguồn: vietnambiz.vn
Giá cà phê thế giới phục hồi nhưng thiếu ổn định
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 6 giá cà phê toàn cầu tăng 4,5% so với tháng trước lên mức trung bình 202,5 US cent/pound, cao nhất kể từ tháng 2. Trong tháng, mức giá cao nhất ghi nhận được là 208,7 US cent/pound vào ngày 1/6, nhưng sau đó giảm dần xuống chỉ còn 193,3 US cent/pound ngày 28/6.
Nhìn chung giá trung bình của tất cả các nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO đều tăng trong tháng vừa qua. Cụ thể, cà phê arabica Brazil tăng 5,8%, đạt 230,4 US cent/pound; cà phê arabica Colombia và arabica khác cũng tăng lần lượt là 5,3% và 5,1%.
Xu hướng tăng này là do giá cà phê arabica trên thị trường kỳ hạn New York đã tăng 4,9% so với tháng trước, lên 229,4 US cent/pound.
Tuy nhiên, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe lại biến động không đáng kể khi chỉ tăng 0,2%, giúp giá của nhóm cà phê robusta toàn cầu được theo dõi bởi ICO tăng 0,7% trong tháng 6 lên 103,8 US cent/pound.
Chênh lệch giữa giá cà phê trên thị trường kỳ hạn New York và London tiếp tục nới rộng thêm 8,5%, lên 134,9 US cent/pound từ 124,3 US cent/pound của tháng trước.
Sự chênh lệch này chủ yếu là do các kho dự trữ cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York đã giảm tới 11,2% so với tháng trước, đóng cửa ở mức hơn 1 triệu bao, trong khi dự trữ cà phê robusta tăng 2,9% lên 1,8 triệu bao.
ICO tiếp tục giữ nguyên dự báo về cung - cầu cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022, với nguồn cung ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Tiêu thụ dự báo tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Tuy nhiên, ICO cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và chi phí đầu vào sản xuất, thương mại tăng có thể ảnh hưởng đến cung cầu cà phê trong 4 tháng còn lại của niên vụ 2021-2022.
Diễn biến giá cà phê thế giới được theo dõi bởi ICO
Xuất khẩu cà phê nhân bật tăng mạnh trong tháng 5
Số liệu từ ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu (gồm cà phê nhân, cà phê đã rang xay và cà phê hòa tan) trong tháng 5 đạt 10,8 triệu bao, tăng 10% so với cùng kỳ. Qua đó đưa tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022 lên gần 88 triệu bao, tăng khoảng 0,7% so với cùng kỳ niên vụ 2020-2021.
Riêng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu chiếm hơn 90% tỷ trọng với gần 9,8 triệu bao trong tháng 5, tăng 10,7% so với 8,8 triệu bao của cùng kỳ năm trước.
Đà tăng này chủ yếu là do xuất khẩu của nhóm cà phê arabica Colombia tăng vọt 149,2% lên 1 triệu bao. Mức tăng này không phản ánh nhiều điều khi mà cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu nhóm cà phê này chỉ đạt 0,4 triệu bao, thấp nhất kể từ tháng 8/1977 do bất ổn xã hội tại Colombia cản trở hoạt động xuất khẩu.
Mặc dù tăng hai con số trong tháng 5, nhưng tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022 vẫn giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 79,2 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10 đến tháng 5)
Nam Mỹ vẫn là khu vực dẫn đầu về xuất khẩu cà phê toàn cầu với 3,9 triệu bao trong tháng 5, tăng mạnh 24,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022 xuất khẩu của khu vực này ghi nhận mức giảm 9,9%, xuống còn 37,9 triệu bao.
Trong 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, các lô hàng xuất khẩu từ Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đã giảm 16% xuống 26,4 triệu bao. Brazil đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn trong vụ 2021-2022 do “trái vụ” cà phê arabica, trong khi xuất khẩu liên tục phải đối mặt với tình trạng thiếu container vận chuyển và cước phí tăng cao mặc dù tình hình đã cải thiện trong những tháng gần đây.
Lượng cà phê xuất khẩu của Colombia cũng giảm nhẹ 2,3% từ đầu niên vụ đến nay xuống 8,3 triệu bao, chủ yếu do điều kiện thời tiết bất lợi kéo dài làm giảm sản lượng cà phê của nước này.
Trong khi đó, xuất khẩu từ châu Á và châu Đại Dương trong tháng 5 tiếp tục tăng mạnh 16,9% lên 3,7 triệu bao. Lũy kế 8 tháng, khu vực này đã xuất khẩu 31,1 triệu bao, tăng 19,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới đã xuất hơn 2,4 triệu bao trong tháng 5, tăng 16,1% so với cùng kỳ; và sau 8 tháng tăng mạnh 20,9% lên 20,4 triệu bao.
Các lô hàng xuất khẩu của Ấn Độ cũng tăng 29% lên 0,6 triệu bao trong tháng 5 và tăng 35,5% lên gần 4,9 triệu bao trong 8 tháng đầu năm 2021-2022. Tương tự, xuất khẩu của Indonesia tăng 8,4% lên 0,5 triệu bao trong tháng 5 và tăng 5,1% lên 4,9 triệu bao trong giai đoạn tháng 10 đến tháng 5 năm 2021-2022.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 8 tháng đầu vụ 2021-2022 (tháng 10 đến tháng 5)
Còn tại châu Phi, xuất khẩu của khu vực này giảm 0,9% trong tháng 5 và tính chung 8 tháng giảm xuống còn 8,7 triệu bao so với 8,8 triệu bao của cùng kỳ 2020-2021.
Tại khu vực này, xuất khẩu của Uganda giảm 7,9% trong tháng 5 và giảm 4% trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022. Nguyên nhân là bởi sản lượng của Uganda giảm do hạn hán ở một số khu vực trồng cà phê của nước này. Xuất khẩu của Tanzania cũng giảm 3,6% trong 8 tháng đầu niên vụ hiện tại, trong khi Ethiopia tăng 18,9%.
Xuất khẩu cà phê từ Trung Mỹ và Mexico trong tháng 5 cũng ghi nhận mức giảm 14,5% xuống 1,9 triệu bao. Tính chung 8 tháng đầu năm cà phê hiện tại, xuất khẩu của khu vực này đã giảm 1,1%, đạt 10,3 triệu bao.
Sự sụt giảm mạnh trong tháng 5 là do xuất khẩu từ Honduras, nhà xuất khẩu lớn nhất khu vực giảm tới 37,3% so với cùng kỳ, xuống còn 0,5 triệu bao. Trong 8 tháng đầu niên vụ cà phê 2021-2022, Honduras đã xuất khẩu 3,3 triệu bao cà phê, giảm 11,8% so với cùng kỳ vụ trước.
Lượng mưa ít hơn trong thời kỳ đậu quả tại một số vùng trồng cà phê, cũng như tỷ lệ mắc bệnh gỉ sắt cao do hậu quả của các cơn bão Eta và Iota vào năm 2020 là nguyên nhân chính khiến sản lượng của Honduras giảm.
Cà phê hòa tan gia tăng thị phần
Tổng xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu trong tháng 5 tăng 3% lên gần 1 triệu bao. Trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022, đã có 8,2 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu, tương ứng với mức tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên 10,1% (tính theo mức trung bình 12 tháng) vào tháng 5 so với 10% của cùng kỳ năm 2021. Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, với 2,6 triệu bao trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022, tiếp theo là Ấn Độ và Indonesia với lần lượt xuất khẩu 1,4 triệu và 1,2 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê rang xay cũng ghi nhận mức tăng 9,9% trong tháng 5 lên 75.329 bao. Lũy kế từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022 xuất khẩu cà phê rang xay đạt tổng cộng 0,6 triệu bao.