Giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc
- Tình hình xuất khẩu rau quả 3 tháng đầu năm nay như thế nào, thưa ông?
- Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh tới 26% so với cùng kỳ, chỉ đạt 261 triệu USD; riêng tháng 3 đạt hơn 340 triệu USD, tăng 47,9% so với tháng 2 nhưng giảm 15,4% so với cùng kỳ 2021.
Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là yếu tố chính làm giảm trị giá xuất khẩu chung của ngành. Tính chung quý I, xuất khẩu rau quả chỉ đạt hơn 849 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.
- Vì sao xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh như vậy?
- Lý do chủ yếu là phía Trung Quốc thực hiện chính sách. "Zero Covid-19" khiến hàng hóa bị ùn ứ, không thông quan được tại các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc. Cùng với đó, từ ngày 1.1.2022, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh số 249 ban hành "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
- Trong bối cảnh như vậy, xu hướng chuyển dịch xuất khẩu sang các thị trường có được duy trì không, thưa ông?
- Xu hướng dịch chuyển xuất khẩu vẫn được doanh nghiệp duy trì. Những tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng gần 70%; Hàn Quốc tăng gần 32%; Nhật Bản tăng 12%; Australia tăng 45,7%, Hà Lan tăng 51,5%... Sự tăng trưởng này cho thấy việc sản xuất, vùng nguyên liệu cũng đang có sự chuyển dịch đáp ứng yêu cầu của các thị trường.
Năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt 3,55 tỷ USD nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, chỉ tăng 3%. Thực tế, tăng trưởng trong năm qua chủ yếu nhờ vào các thị trường khác. Rau quả xuất sang Trung Quốc ngày càng giảm về tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam, từ 63% đã giảm còn 51% trong 3 tháng đầu năm nay.
Thị trường Nga dù chỉ bằng 1/3 kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ nhưng đây là thị trường dễ tính hơn nên tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy xung đột giữa Nga và Ukraine khiến xuất khẩu qua thị trường này đang gặp khó nhưng nếu chiến sự sớm chấm dứt, tương lai sẽ tiếp tục tăng trưởng.
GlobalGap tới đâu, xuất tới đó!
- Ngành rau quả dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm như thế nào?
- Đầu năm, ngành đạt mục tiêu xuất khẩu 3,8 - 4 tỷ USD nhưng với tình hình hiện nay và những khó khăn nội tại, có thể chúng tôi phải điều chỉnh.
- Thách thức ông vừa nhắc tới là gì?
- Nước ta có lợi thế về điều kiện tự nhiên để trồng rau quả, nhưng đến nay vẫn chưa xuất khẩu ở nhiều thị trường bởi còn gặp khó khăn trong việc tăng diện tích để theo kịp với yêu cầu tạo ra sản phẩm xuất khẩu.
Diện tích trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP) hiện chưa nhiều, chỉ đạt 15%, chủ yếu tăng tới đâu xuất khẩu tới đó. Doanh nghiệp cũng vẫn gặp khó trong kiểm soát dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm, rào cản này không thể vượt qua trong ngày một, ngày hai. Khâu chế biến sản phẩm, nhà máy chế biến còn gặp nhiều hạn chế, quy hoạch vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến cũng chưa nhiều.
Ngoài ra, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp làm hạn chế xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, chi phí vận tải, logistics cũng quá cao, tăng gấp 3 - 4 lần và chưa có điểm dừng. Tình trạng thiếu container lạnh, tàu lạnh khiến việc bảo quản sản phẩm xuất khẩu không bảo đảm nếu thời gian di chuyển kéo dài…
- Thời điểm này, ngành cần sự hỗ trợ như thế nào?
- Hiện nay, hàng xuất đi Trung Quốc gặp khó khăn ở cả đường bộ và đường biển, Hiệp hội mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các hãng hàng không để giúp đưa rau quả sang Trung Quốc thuận lợi hơn. Hiện tại, giá thanh long bên Trung Quốc rất đắt vì hàng Việt Nam không thể xuất qua được. Sắp tới, mùa vải chúng ta cũng cần tiêu thụ một lượng hàng lớn.
Song song đó, sớm tăng diện tích trồng rau quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhà nước cần hướng dẫn cụ thể để nông dân tăng diện tích, cấp giấy chứng nhận ra sao, chi phí thế nào; đồng thời phát triển ngành chế biến, xây dựng được các nhà máy bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, cố gắng kiểm soát nông dân không sử dụng thuốc hóa học độc hại, tăng cường đầu tư phân thuốc vi sinh để bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Có thể điều tiết bằng chính sách thuế, nếu sử dụng chất độc hại thì Nhà nước có thể đánh thuế cao để ngăn chặn tình trạng trên.
Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu sản phẩm phải tìm hiểu về thị trường đó và nắm rõ các quy định, tiêu chuẩn để thực hiện theo. Tránh làm hời hợt, thông tin không rõ ràng, nếu xảy ra vấn đề thì doanh nghiệp sẽ chịu thua thiệt.