Nguồn: Vneconomy.vn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả giảm là tín hiệu đáng lo ngại, trong bối cảnh suốt nhiều năm qua kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này thường tăng trưởng cao vào những tháng đầu năm. Đơn cử như, kim ngạch xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2021 đạt 610 triệu USD, tăng 14,6% so với 2 tháng đầu năm 2020.
MẤT VỊ TRÍ SỐ 1 Ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu rau quả nước ta, với tỷ trọng chiếm từ 65-80% trong tổng kim ngạch ngành hàng này.
Thế nhưng, trong 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm tới gần 19% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 260 triệu USD. Đây là lần đầu tiên, thị trường Trung Quốc rớt xuống dưới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, 2 tháng đầu năm 2022 cũng là lần đầu tiên, hàng rau quả không còn giữ vị trí số 1 trong các nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc.
Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2021 đến nay, nhất là ở các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc luôn gặp phải tình trạng ách tắc triền miên.
Trong khi, xuất khẩu nông sản tăng mạnh ở các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì giá trị xuất khẩu nông lâm thị sản sang Trung Quốc chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022, giảm gần 31% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ Cổng thông tin một cửa quốc gia, tính đến chiều 1/3/2022, tại các cửa khẩu phía Bắc có khoảng 7.281 xe đang chờ làm thủ tục thông quan, trong đó số lượng xe ở Lạng Sơn nhiều nhất với khoảng 3.726 xe, Quảng Ninh có 2.013 xe, Lào Cai có khoảng 1.224 xe, Lai Châu 129 xe…
Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết trong số xe chờ thông quan ở Lạng Sơn, có đến 70% là xe chở nông sản, chủ yếu là thanh long, chuối tươi, dưa hấu và các loại rau củ như ớt, sắn, cây thạch đen... Đến nay, Lạng Sơn đã thông báo cho người dân, doanh nghiệp không tiếp tục đưa xe chở nông sản lên cửa khẩu nhưng hằng ngày vẫn có khoảng 50-70 xe đổ về.
Theo bà Đoàn Thu Hà, khó khăn nhất hiện nay là việc triển khai “vùng xanh”, “vùng đệm” ở cửa khẩu vẫn chưa có quy định cụ thể để phù hợp với quy định của phía Trung Quốc. Nhiều trường hợp xét nghiệm âm tính tại Việt Nam, nhưng lại dương tính theo kiểm tra của Trung Quốc.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc hiện không chỉ ùn ứ tại các cửa khẩu, mà còn “tắc” trong việc phê duyệt hồ sơ doanh nghiệp theo quy định mới của nước này.
Nguyên nhân là từ ngày 01/01/2022 việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trong thông cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ ra việc tồn tại một số lỗi kỹ thuật khi sử dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc do hệ thống mới vận hành như: tốc độ truy cập chậm, ngôn ngữ Tiếng Trung, lỗi giao diện khó theo dõi...
“Việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp. Đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% so với danh sách đăng ký của Cục Bảo vệ thực vật”, văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Tính đến hết tháng 02/2022, đã có 1.656 doanh nghiệp Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã theo Lệnh 248 và Lệnh 249. Trong đó, có 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn.
Tuy nhiên đối với lĩnh vực xuất khẩu ra quả, hiện nay trong số 270 doanh nghiệp mà Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển triển nông thông) đề xuất, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới chỉ có 187 doanh nghiệp được cấp mã số.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đôn đốc và trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ, đặc biệt việc chậm cấp mã số đăng ký đối với nhóm mặt hàng có nguồn gốc thực vật và nhóm mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý đăng ký.
NỖ LỰC MỞ RỘNG CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI
Trong hoàn cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc vô cùng khó khăn, ngành rau quả đã nỗ lực mở rộng ở các thị trường mới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả sang Thái Lan trong 2 tháng đầu năm giảm tới 37,6%. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường khác tăng mạnh.
Nhìn lại năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng gần 70%, đạt 46 triệu USD. Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc cũng tăng gần 32%, với khoảng 25 triệu USD. Thị trường Nhật Bản cũng tăng trưởng hai con số ở mức 12%, với 23 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu rau quả sang Australia tăng 45,7%; Hà Lan tăng 51,5%; Nga tăng 33,9%…
Nhờ vậy, thị phần của châu Âu trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam đã tăng từ 7,9% trong năm 2020 lên 8,5% trong năm 2021; thị phần của châu Mỹ tăng từ 6,4% lên 7,6%. Trong khi đó, thị phần của châu Á giảm từ mức 82,2% xuống còn 80%, chủ yếu là do thị trường Trung Quốc bị giảm về thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến.
Trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả nước ta, tăng 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020.
Dự báo năm 2022, nhu cầu sử dụng rau quả chế biến tiếp tục gia tăng trên toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19, vì vậy, ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu các sản phẩm tươi. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.