Nguồn: Vietnambiz.vn
Hơn một tháng qua, các doanh nghiệp đua nhau đưa hàng thanh long trái vụ qua cửa khẩu, giao cho khách hàng Trung Quốc với hy vọng thu lời lớn nhờ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết tăng cao.
Tuy nhiên, việc các cửa khẩu sang Trung Quốc ùn ứ cùng lệnh dừng nhập khẩu thanh long từ 0 giờ 29/12 đến hết ngày 26/1/2022 khiến doanh nghiệp phải nếm trái đắng.
Sự cố bất khả kháng này khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp, các container buộc phải quay đầu về Hà Nội tiêu thụ, thanh long rớt giá chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg.
Thanh long tại vườn cũng giảm sâu, chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg loại 1, thậm chí hàng loại 2, loại 3 không có ai mua. Với mức giá này, nông dân có thể lỗ nặng vì chi phí sản xuất thanh long trái vụ cao.
Theo Bộ Công Thương, 90% đầu ra của thanh long của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Điều này khiến giá thanh long thiếu sự ổn định, chính vụ luôn ở mức thấp vì cung vượt cầu, còn trái vụ phụ thuộc vào sự điều tiết và chính sách nhập khẩu của Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết một trong những nguyên nhân khiến giá thanh long vẫn ở mức thấp và thường xuyên phải "giải cứu" là Trung Quốc tăng diện tích trồng thanh long một cách "thần tốc", từ 10.000 ha vào năm 2018 lên tới 55.000 ha vào năm 2021, chỉ kém Việt Nam khoảng 10.000 ha.
"Mỗi năm diện tích trồng thanh long của Trung Quốc phình ra 10-15%. Tôi nghĩ rằng với đà này, chỉ 5 năm nữa, phía bạn sẽ đủ diện tích để phủ sản lượng thanh long của Việt Nam.
Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc gặp khó khi nước bạn bảo hộ cho quyền lợi của nông dân, ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa", ông Nguyên nói.
Do đó, đại diện Vinafruit cho rằng nông dân Việt Nam nên tính toán chuyển đổi sang loại cây trồng vừa có thể xuất khẩu tươi, tiêu thụ nội địa, vừa có thể chế biến. Bởi, quả thanh long không xuất khẩu tươi thì rất khó chế biến, trong khi tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 10% sản lượng.
Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận (BDA) đánh giá: "Việc Trung Quốc tăng diện tích trồng cũng khiến sản lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam giảm khoảng 10%. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của thị trường 1 tỷ dân vẫn ở mức cao, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết".
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện diện tích trồng thanh long của cả nước dao động 65.000 ha, trong đó tỉnh Bình Thuận chiếm hơn 50%, tương đương hơn 33.000 ha.
Điều đáng nói, quy hoạch đến năm 2025, Bình Thuận phát triển diện tích 30.000 ha thanh long. Tuy nhiên, hiện nay diện tích thanh long đã vượt quy hoạch hơn 3.000 ha, đặt ra nhiều khó khăn trong tiêu thụ mặt hàng này.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận từ nay đến tháng 2, tỉnh cần tiêu thụ hơn 120.000 tấn thanh long.
Nếu đưa thanh long vào chế biến thì các doanh nghiệp chưa làm được, trong khi toàn tỉnh chỉ có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Con số này chưa bằng số lẻ của sản lượng thanh long.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn ở Bình Thuận đã đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm từ trái thanh long như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, rượu vang...
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết việc đưa sản lượng lớn thanh long vào chế biến đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu ra chắc chắn, vùng trồng đủ tiêu chuẩn và nguồn vốn đủ lớn.
Sau một năm 2021 nhiều biến cố, các doanh nghiệp thanh long đã cạn vốn trong khi chi phí kho lạnh, đầu tư cho chế biến không nhỏ. Do đó, việc chế biến thanh long là chiến lược dài hạn, không thể ngày một ngày hai.
Nguồn cung dư thừa, doanh nghiệp khó chế biến và bảo quản, nhiều giả thiết đặt ra rằng có nên giảm sản lượng trồng thanh long vào thời điểm này?
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá thanh long là loại cây dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khoảng 500 – 600 triệu đồng/ha/năm và quy hoạch diện tích của cả nước đang ở mức phù hợp.
"Trong thời điểm xuất khẩu gặp khó, Cục khuyến cáo người dân duy trì diện tích trồng, chỉ giãn vụ, rải vụ thanh long bằng cách biện pháp kỹ thuật để tránh tình trạng dư cung, giá giảm.
Vì thực tế, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho một tỷ dân. Do đó, nước này vẫn phải nhập khẩu thanh long từ Việt Nam và các nước khác", ông Cường nói.
Ngoài ra, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng việc phát triển vùng thanh long theo hướng hữu cơ, chuẩn hóa về canh tác, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… là chiến lược dài hạn để thanh long đáp ứng yêu cầu thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính hơn như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.