“Không có gì ghê gớm”?
Theo chuyên gia phân tích thị trường, việc Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo chỉ hơi áp lực hơn cho xuất khẩu gạo Việt Nam chứ không có gì là “ghê gớm”, bởi Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo là để giảm giá gạo nhập khẩu, giúp an ninh lương thực, nhưng mục tiêu của họ là nhằm thu hút thêm nguồn gạo giá rẻ từ Ấn Độ để cạnh tranh với nguồn gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, thuế nhập khẩu gạo của Philippines dành cho các nước trong khối ASEAN hầu như bằng nhau, còn đối với Ấn Độ do không thuộc khối ASEAN nên có những hàng rào thuế, ví dụ có mức thuế nhập khẩu gạo là 42%, cũng có những loại gạo chịu thuế lên đến 72%. Gần đây Chính phủ Philippines muốn giảm thuế nhập khẩu đối với gạo giá rẻ Ấn Độ để phục vụ cho người nghèo. Do vậy, Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo cho các nước ngoài khối ASEAN không có gì lo lắng.
“Không như phân khúc gạo giá rẻ Ấn Độ, hiện nay Việt Nam chỉ bán vào Philippines các loại gạo từ trung đến cao cấp, các thành phố lớn của Philippines đều mua gạo cao cấp của Việt Nam. Việt Nam có 3 vụ lúa/năm, lúc nào cũng có gạo mới và người tiêu dùng Philippines rất thích nguồn gạo mới của Việt Nam.
Thứ hai, vận chuyển từ Việt Nam sang Philippines rất gần. Sau khi chúng tôi kết thúc đàm phán bán 5- 10 ngàn tấn và sau khi xuất hàng chỉ trong vòng 3 - 4 ngày là tới cảng Philippines. Nếu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ rất khó về vận chuyển và chi phí cao hơn và các thủ tục khác cũng khó khăn hơn so với Việt Nam.
Thái Lan tuy cùng khối ASEAN nhưng do điều kiện địa lý và năng lực giao nhận của họ không bằng Việt Nam, ngay cả Ấn Độ cũng vậy. Nếu 10 hay 20 năm trước thì Việt Nam đi học các nước nhưng bây giờ khi nói về năng lực giao nhận, chế biến gạo thì Việt Nam gần như là số 1 và các nước đang đi học lại Việt Nam”, ông Thành khẳng định.
Philippines vẫn là thị trường chủ lực
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2021 xuất khẩu gạo đạt 782.159 tấn, trị giá 424,22 triệu USD, so với tháng 4/2020 tăng 53,3% về lượng, tăng 66,8% về kim ngạch. Giá xuất khẩu gạo trong tháng 4/2021 đạt trung bình 542,4 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng liền kề trước đó và tăng 8,8% so với tháng 4/2020.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu gạo tăng trưởng cả về lượng và kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, với mức tăng trên 45% cả về lượng và kim ngạch.
Cộng chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 1,93 triệu tấn, thu về trên 1,07 tỷ USD, giảm 6,4% về lượng nhưng tăng 8,2% về kim ngạch so với 4 tháng năm 2020. Giá xuất khẩu trung bình tăng 15,6%, đạt 543,4 USD/tấn.
Trong 4 tháng đầu năm Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực và đạt 715.717 tấn, tương đương 381,44 triệu USD, giảm 20,7% về lượng và giảm 4,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 36% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu sang thị trường này tăng 19,8% so với cùng kỳ, đạt 533 USD/tấn.
Thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc chiếm trên 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 369.161 tấn, tương đương 194,12 triệu USD, tăng 35% về lượng và tăng 22,8% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 525,8 USD/tấn, giảm 9%.
Ghana đứng thứ 3, với 209.875 tấn, tương đương 122,67 triệu USD, chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, tăng mạnh 69% về lượng và tăng 104,5% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2021 (Theo Tổng cục Hải quan)
Trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là xuất khẩu sang thị trường Bangladesh mặc dù đứng thứ 6 về kim ngạch, với lượng xuất khẩu đạt 42.875 tấn, tương đương 25,94 triệu USD, nhưng so với 4 tháng năm 2020 thì tăng rất mạnh 29.266% về lượng và tăng 36.161% về kim ngạch (cùng kỳ năm trước chỉ đạt 146 tấn, tương đương 71.530 USD).
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), xét về chủng loại xuất khẩu thì trong quý I/2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,3% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,0%; gạo nếp chiếm 22,0%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,6%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 63,1%), Cuba (chiếm 12,6%) và Malaysia (chiếm 5,7%). Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 21,9%), Ghana (19,8%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 16,8%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 82,5%), Malaysia (chiếm 6,7%) và Philippines (chiếm 4,3%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhì của Việt Nam là Đảo quốc Solomon (chiếm 11,8%) và Campuchia (chiếm 11,8%), tiếp theo là Ả rập Xê út (chiếm 8,7%).
Trên thị trường thế giới, trong tháng 4/2021, giá gạo Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng. Nguyên nhân chính là do vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm, chờ đợi vụ Hè Thu sắp tới.
Hiện nay gạo xuất khẩu Việt Nam loại 5% tấm đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 30 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm Việt Nam chào bán từ 493 - 497 USD/tấn; loại 25% tấm có giá từ 468 - 472 USD/tấn, loại 100% tấm giao động từ 423 - 427 USD/tấn.
Gạo Thái Lan loại 5% tấm giá từ 463 - 467 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn; gạo 5% tấm Ấn Độ giá 393 - 402 USD/tấn, gạo 5% tấm Pakistan giá 438 - 442 USD/tấm. Gạo 5% tấm Myanmar 418 - 422 USD/tấn.