Theo Vietnambiz
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến ngày 23/3/2021.
Dựa trên danh sách này, cả nước có 207 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, Cần Thơ là địa phương có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 44 doanh nghiệp.
Tiếp đến là TP HCM có 38 doanh nghiệp, Long An 25 doanh nghiệp, An Giang 21 doanh nghiệp, Đồng Tháp 19 doanh nghiệp, Hà Nội và Tiền Giang 8 doanh nghiệp, Kiên Giang, Nghệ An có 7 doanh nghiệp; Vĩnh Long 6 doanh nghiệp…
Một số địa phương chỉ có một thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo như Đắk Nông, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Định, Hà Tĩnh, Nam Định...
Trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2/2021 ước đạt 290.000 tấn với giá trị đạt 160 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu hai tháng đầu năm 2021 đạt 638.000 tấn với giá trị 352 triệu USD, giảm 31,4% về khối lượng và giảm 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng xuất khẩu gạo giảm là do đầu năm chưa phải là cao điểm xuất nhập khẩu vì trước đó các khách hàng đã chủ động mua dự trữ cho kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Trong khi đó, nguồn cung trong nước ở mức thấp khi vụ Đông Xuân chưa thu hoạch rộ, cộng thêm giá lúa gạo đang ở mức cao khiến các doanh nghiệp thu mua và khách hàng nước ngoài đều có tâm ly chờ giá giảm.
Ngoài yếu tố mùa vụ thì khó khăn trong vấn đề vận chuyển do thiếu hụt container rông, giá cước vận chuyển tăng cao trong thời gian qua cũng khiến hoạt động xuất khẩu gạo có nhiều hạn chế.