CÀ PHÊ

Kinh tế Nhiều bất cập tại các công ty cà phê

Cập nhật ngày: 15 | 03 | 2021

Nguồn: baodaklak.vn

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đứng chân trên địa bàn tỉnh hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác quản lý, sử dụng đất đai tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối.

Hiệu quả thấp, nợ thuế kéo dài

Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp (DN) trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đang hoạt động. Sau thời kỳ hoàng kim cách đây 10 năm trở về trước, những năm gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của các công ty cà phê gặp nhiều khó khăn, càng trở nên bết bát hơn khi giá cà phê xuống thấp cùng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới.

Cụ thể, doanh thu phát sinh của các DN trong năm 2020 chỉ đạt 359 tỷ đồng, trong đó DN có doanh thu cao nhất là 80 tỷ đồng, thấp nhất 515 triệu đồng; số tiền lỗ lũy kế đến nay 252 tỷ đồng. Các công ty mất khả năng cân đối tài chính, đang nợ thuế 112 tỷ đồng, trong đó riêng số tiền phải nộp trong năm 2020 là 47,9 tỷ đồng.

Cụ thể, 10 DN chưa nộp đủ tiền thuê đất, tiền chậm nộp theo cam kết, 8 DN chưa nộp tiền thuê đất, tiền chậm nộp phát sinh từ năm 2019 trở về trước, 15 DN chưa nộp đủ tiền thuê đất phát sinh năm 2020.

Theo phương án sắp xếp đổi mới của Chính phủ, trong số 17 DN này, có 3 DN sẽ phải giải thể, 3 DN chuyển thành công ty hai thành viên trở lên và 11 DN thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, đến nay phương án này vẫn chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Điều này cũng khiến các công ty hoạt động khó khăn, mất khả năng cân đối tài chính.

Nhiều hàng quán dọc Quốc lộ 27 đoạn qua xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin xây dựng trên đất thuộc quản lý của các công ty cà phê.
Nhiều hàng quán dọc Quốc lộ 27 đoạn qua xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin xây dựng trên đất thuộc quản lý của các công ty cà phê.

Để tạo điều kiện cho DN thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, tỉnh đã cho cơ chế để DN đóng số nợ thuế cũ và phát sinh mỗi năm 20% trong thời gian 5 năm (2020 - 2025), nhưng hiện vẫn khó thu được. Trước tình hình này, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam yêu cầu các DN thành viên nghiêm túc chấp hành pháp luật về thuế, nộp tiền thuê đất, tiền chậm nộp theo đúng quy định. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại DN để cơ cấu tài chính và phương thức quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nan giải vấn đề quản lý, sử dụng đất

Đến thời điểm này, tỉnh đã phê duyệt phương án sử dụng đất cho 14 DN trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, với diện tích hơn 14.052 ha. Trong đó, đất các DN sản xuất kinh doanh hơn 13.025 ha, bàn giao lại cho địa phương quản lý 1.027 ha. Riêng đối với 3 DN thuộc diện giải thể thì không lập phương án sử dụng đất (diện tích 1.981 ha).

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong quá trình quản lý, sử dụng đất được cho thuê, một số diện tích của các công ty cà phê đã để cho người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hộ nhận khoán không thực hiện nghĩa vụ nộp sản phẩm, tự ý chặt phá vườn cây, thay đổi loại cây trồng, sang nhượng vườn cây nhận khoán mà không xin ý kiến của công ty. Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã vào cuộc, nhưng vì nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa xử lý dứt điểm. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty và gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Ngoài ra, thời gian qua có nhiều đơn thư khiếu kiện yêu cầu các công ty giải quyết việc nộp sản phẩm giao khoán, tiền thuê đất, giải quyết chế độ cho người lao động. Đây là vấn đề nan giải, đã tồn tại trong thời gian dài và liên quan đến đời sống của nhiều hộ dân, cần được tháo gỡ bằng những giải pháp rốt ráo và đồng bộ.

Một công trình xây dựng trên đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng.
Một công trình xây dựng trên đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng.

Về vấn đề này, tỉnh đã kiến nghị Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng lại phương án khoán phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền lợi của các bên để tạo sự đồng thuận giữa công ty và hộ nhận khoán, tránh các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến hợp đồng khoán. Bên cạnh đó, các công ty cà phê cần hoàn chỉnh hồ sơ về đất đai, rà soát những diện tích đất sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm, xây dựng trái phép… chuyển trả về địa phương quản lý.

3 doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam hoạt động trên địa bàn tỉnh thuộc diện phải giải thể gồm: Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Tul, Công ty TNHH MTV Chư Quynh và Công ty TNHH MTV Ea H’nin. Đến cuối năm 2020, các doanh nghiệp này đang nợ tiền thuê đất, tiền chậm nộp tổng cộng hơn 23,7 tỷ đồng.

Minh Chi