CÀ PHÊ

ARA - Tay Coffee và khát vọng vươn xa

Cập nhật ngày: 26 | 10 | 2020

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, tỉnh Sơn La đã tổ chức trưng bày, giới thiệu thành tựu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2015-2020, với rất nhiều loại sản phẩm nông sản đặc trưng của các địa phương trong tỉnh được sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với gian trưng bày của hợp tác xã ARA - Tay Coffee, các sản phẩm cà phê chất lượng cao đóng gói trong những bao bì có đầy đủ thông tin, mẫu mã đẹp. Chị Cầm Thị Mòn, người dân tộc Thái còn rất trẻ được giới thiệu là Giám đốc HTX vừa trực tiếp pha cà phê bằng máy mời khách thưởng thức, vừa giới thiệu các sản phẩm được sản xuất bởi những phụ nữ ở xã Chiềng Chung (Mai Sơn).

 

 

 

Gian trưng bày sản phẩm của hợp tác xã ARA - Tay Coffee.

 

Mong muốn tìm hiểu về cái tên HTX ARA - Tay Coffee và các sản phẩm cà phê của HTX, chúng tôi đã có chuyến về bản Lọng Nghịu, xã Chiềng Chung (Mai Sơn). Từ quốc lộ 4G, theo tỉnh lộ 117 hơn chục km đến trung tâm xã, hai bên đường, những nương cà phê phủ kín các sườn đồi. Mùa này, nông dân Chiềng Chung bắt đầu thu hoạch, từng đoàn xe máy chở đầy những bao cà phê hối hả từ nương về. Đón chúng tôi trong ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, chị Mòn bảo, trụ sở của HTX đang chuẩn bị xây dựng, nên công việc của HTX tạm thời giao dịch tại nhà riêng của chị. Tìm hiểu được biết, Chiềng Chung là một trong những xã có diện tích trồng cà phê lớn nhất của huyện Mai Sơn. Từ nhiều năm nay, cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực của xã, nhiều hộ dân giàu lên từ trồng cà phê, hiện nay, toàn bộ diện tích ngô trên nương ở Chiềng Chung đã được thay thế bằng cây cà phê.

 

Sinh ra và lớn lên ở Chiềng Chung, năm nay vừa tròn 30 tuổi, từ nhỏ, chị Mòn thường theo bố mẹ lên nương phụ hái cà phê, nên đã thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Mặc dù gia đình có tới 2 ha cà phê, nhưng khi đó sản xuất còn mang tính chất manh mún, may ra cũng chỉ đủ ăn, có những năm sương muối, toàn bộ diện tích cà phê của cả bản bị thiệt hại. Khi thu hoạch, bà con cũng chưa biết lựa chọn những quả chín, mà hái hết cả quả xanh, những năm được mùa thì lại bị tư thương ép giá, bố chị Mòn khi muốn uống cà phê cũng phải tự rang và giã bằng cối đá, nhiều hộ trong bản đã chặt bỏ cà phê để trồng các loại cây khác. Học hết THPT, lập gia đình riêng, chị Mòn vẫn tiếp tục công việc trồng cà phê và luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất ra những sản phẩm cà phê có chất lượng được thị trường trong nước biết đến và tiến tới có thể xuất khẩu.

 

Năm 2018, Dự án Care (thuộc tổ chức phi chính phủ của Úc) hỗ trợ thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm ở Chiềng Chung, chị Mòn và một số thành viên được Dự án lựa chọn cho đi thăm mô hình HTX sản xuất cà phê chất lượng cao ở Tây Nguyên. Chị đã tìm hiểu, so sánh và đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sản xuất cả phê ở Tây Nguyên với Sơn La. Trên thực tế, mặc dù cà phê arabica của Sơn La có chất lượng tốt hơn nhiều so với cà phê ở Tây Nguyên, nhưng vẫn chủ yếu là bán sản phẩm thô, năm nào được giá cũng chỉ từ 25-30.000 đồng/kg cà phê nhân, còn ở Tây Nguyên bán được 60.000 đồng/kg. Từ đó, chị Mòn đã hình thành ý tưởng thành lập HTX chuyên sản xuất sản phẩm cà phê chất lượng cao. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Dự án Care, đầu năm 2019, chị đã vận động thành lập HTX gồm 14 thành viên, với tổng vốn góp 534 triệu đồng, trong đó chủ yếu là các thành viên nhóm phụ nữ tiết kiệm. Giải thích cho chúng tôi về lựa chọn tên của HTX là ARA Tay - Coffee, chị Mòn bảo ARA là arabica, Tay dịch ra tiếng phổ thông là Thái, tên HTX có ý nghĩa là cà phê arabica của người Thái, nhằm giới thiệu rộng rãi sản phẩm cà phê của địa phương ra thị trường.

 

Hiện nay, diện tích cà phê của các thành viên HTX lên đến hơn 200 ha và 300 ha vệ tinh của các hộ trong xã để có thể lựa chọn được những quả cà phê có chất lượng tốt nhất. Ngay sau khi thành lập, các thành viên HTX được Dự án cho đi tập huấn và thuê chuyên gia từ Buôn Ma Thuột lên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng xưởng sản xuất, máy rửa quả, máy pha cà phê, bao bì và máy đóng gói sản phẩm; đặc biệt là 2 máy xát vỏ hiện đại dùng công nghệ chế biến ướt, công suất 5 tấn quả/giờ, giúp bảo đảm hương vị cà phê tự nhiên, tiết kiệm nước, vỏ cà phê được ủ thành phân vi sinh, tiết kiệm chi phí và không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2019, ngay sau khi đi vào hoạt động, HTX đã chính thức sản xuất ra 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao, gồm: cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh, cà phê bột và hạt Natural, cà phê bột và hạt Honey. Đầu năm nay, tại cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2020 do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức, sản phẩm cà phê của HTX đứng thứ 7 trong 60 doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê trong cả nước tham gia cuộc thi.

 

Tuy nhiên, do là các sản phẩm chất lượng cao, nên đòi hỏi nguyên liệu đầu vào hết sức chặt chẽ. Cà phê quả khi thu hoạch phải được chọn kỹ lưỡng, bảo đảm không lẫn quả xanh, trong khi đó việc sản xuất cà phê ở địa phương vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Việc tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng đang gặp khó khăn, do là sản phẩm mới, trên thị trường chưa biết đến, đầu năm nay HTX có kế hoạch tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở một số tỉnh, thành phố, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa triển khai được.

 

Giám đốc HTX Cầm Thị Mòn chia sẻ thêm với chúng tôi: Hiện nay, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia, HTX đang tích cực hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, sơ chế cà phê, từng bước phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững. Đồng thời, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, HTX đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

 

Chia tay HTX ARA Tay - Coffee, khi các thành viên đang khẩn trương chuẩn bị vào vụ sản xuất cà phê của năm nay. Cơn mưa bất chợt làm con đường trở nên lầy lội, nhưng chúng tôi tin những khó khăn chỉ là trước mắt, với sự năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của những người phụ nữ dân tộc Thái ở Chiềng Chung, ARA Tay - Coffee sẽ thành công và phát triển.