CÀ PHÊ

Xuất khẩu cà phê vượt khó

Cập nhật ngày: 19 | 10 | 2020

Nguồn: baodongnai.com.vn

Từ đầu năm 2020 đến nay, cà phê là một trong số ít những mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng dù có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong 9 tháng của năm 2020, toàn tỉnh xuất khẩu được gần 351 triệu USD, tăng trên 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân xã Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ) chăm sóc cà phê kỳ vọng vụ thu hoạch trúng mùa. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân xã Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ) chăm sóc cà phê kỳ vọng vụ thu hoạch trúng mùa. Ảnh: B.Nguyên

Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê, những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu mặt hàng này sẽ sôi động hơn. Tuy nhiên, giá mặt hàng cà phê khó tăng lên vì sẽ vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.

* Xuất khẩu Đồng Nai cao hơn cả nước

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu cà phê 9 tháng của năm 2020 đạt 2,16 tỷ USD, giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. So với tình hình sụt giảm xuất khẩu cà phê của cả nước, Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng khá.

Theo một số DN xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đồng Nai vẫn đạt tăng trưởng trong khi cả nước sụt giảm là do tỉnh thu hút được nhiều DN lớn trong ngành kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê. Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 29 DN hoạt động chế biến cà phê và hơn 38 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Bà Phạm Thị Bích Hà, đại diện Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thực phẩm Sơn Lâm (TP.Biên Hòa) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ và xuất khẩu cà phê trong 9 tháng của năm 2020 không bằng mọi năm nhưng cũng không quá khó khăn như dự báo. Trong những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu sẽ sôi động hơn do sắp vào vụ thu hoạch mới, các DN xuất khẩu tập trung đẩy hàng để dọn kho chuẩn bị thu mua hàng mới. “Vài năm gần đây, mặt hàng cà phê không còn có giá tốt như những năm trước do áp lực nguồn cung lớn hơn cầu ở cả thị trường trong nước lẫn thế giới. Tuy vào mùa cuối năm, tình hình sản xuất cũng như xuất khẩu cà phê sẽ khởi sắc hơn nhưng giá cà phê sẽ khó biến động khi sắp vào vụ thu hoạch mới” - bà Hà dự báo.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hường, chủ Cơ sở Sản xuất cà phê Phú Sỹ (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) chia sẻ, thị trường tiêu thụ cà phê trong nước bị chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cơ sở kỳ vọng mùa sản xuất cuối năm, thị trường tiêu thụ sẽ sôi động hơn nhưng có thể giá cà phê sẽ có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào khi vào vụ thu hoạch mới.

* Lợi thế đầu tư ngành chế biến

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng vài năm trở lại đây, diện tích cây trồng này liên tục giảm mạnh. Toàn tỉnh hiện còn khoảng 14 ngàn ha cây cà phê, giảm hàng ngàn ha so với vài năm trước đó. Diện tích này có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới vì nông dân không còn mặn mà giữ cây cà phê hiện cho lợi nhuận thấp hơn so với nhiều cây trồng khác.

Ông Nguyễn Văn Thật, Phó giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Quế (xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) nhận xét, diện tích cà phê tại địa phương hiện nay giảm rất nhiều so với vài năm trước đó. Các vườn cà phê còn lại cũng đều bị nông dân tỉa bớt cà phê để xen canh thêm cây trồng mới.

Theo đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2019, cà phê vẫn nằm trong danh mục 7 nhóm mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh. Đồng Nai nằm trong tốp 10 tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước. Trong đó, lợi thế cạnh tranh của Đồng Nai là thu hút được nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước đầu tư nhà máy chế biến cà phê. Trong đó, có một số DN đầu tư quy mô lớn, bước đầu dẫn dắt chuỗi giá trị chế biến sâu.

TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), đơn vị tư vấn đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế cho rằng, Đồng Nai có tiềm năng nhất ở Việt Nam để trở thành trung tâm chế biến cà phê hòa tan hàng đầu vì tỉnh có nhiều lợi thế như: gần các vùng nguyên liệu cà phê lớn là Tây nguyên; gần các thị trường tiêu thụ lớn như TP.HCM, gần cảng xuất khẩu lớn; có các khu công nghiệp hiện đại… Đồng Nai nên đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam.