Trong giai đoạn tiếp theo, VnSAT không chỉ giúp người dân đầu tư cơ sở hạ tầng mà còn hỗ trợ xúc tiến thương mại để cà phê Việt Nam hướng ra thế giới.
Sau gần 5 năm thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của 185 tổ chức nông dân (đạt 114% so với mục tiêu cuối cùng là 162 tổ chức nông dân) và đào tạo hơn 40.000 hộ nông dân về sản xuất cà phê bền vững. Đến tháng 6/2020, diện tích cà phê sản xuất bền vững đã đạt 36.266 ha (hơn 90,7% so với mục tiêu cuối cùng của dự án là 40.000 ha).
Tổng số hộ thực hiện tái canh cà phê đạt hơn 20.000 hộ, tương ứng với hơn 18.000 ha; trong đó có 3.611 hộ đã được vay vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
VnSAT đã làm thay đổi nhận thức của người dân
Với những hỗ trợ, đầu tư của dự án VnSAT trong thời gian qua, rất nhiều các tổ chức nông dân, hợp tác xã (HTX) và người dân đều cảm thấy phấn khởi khi áp dụng sản xuất cà phê bền vững, cho năng suất cao.
Ông Nguyễn Công Khanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Nguyễn Công (Xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) cho biết, HTX có 120 thành viên với diện tích 350 ha trồng cây cà phê, tất cả đều được dự án VnSAT hỗ trợ về tập huấn tái canh cà phê.
Dự án VnSAT còn hỗ trợ cho HTX đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường giao thông vào khu sản xuất... Đặc biệt, VnSAT còn thường xuyên hỗ trợ HTX tham gia các hội nghị về cà phê để qua đó liên kết các chuỗi cung cầu.
“Việc hỗ trợ đầu tư của VnSAT mới hoàn thiện việc xây dựng cơ bản mà chưa đi vào khai thác ổn định nên chưa thể đánh giá được năng suất của cây cà phê. Tuy nhiên, với cách tập huấn, chăm sóc bài bản cũng như nhìn thực tế tại các vườn cà phê, tôi dự đoán năng suất sẽ cao gần gấp đôi so với trồng cà phê truyền thống trước đây. Mặt khác, VnSAT hỗ trợ các trang thiết bị máy móc sẽ giúp cà phê nâng cao chất lượng với các sản phẩm cà phê chế biến, qua đó có thể xuất khẩu đi các nước” – ông Khanh chia sẻ.
Cũng theo ông Khanh, nếu không có dự án VnSAT, người dân sẽ khó phát triển bền vững cây cà phê. Bởi HTX không thể có kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng như sân phơi, nhà kho, hệ thống điện, đường bê tông... như VnSAT đã đầu tư. Từ đó, các thành viên trong HTX có nơi sản xuất tập trung, qua đó quản lý được chất lượng đầu vào của sản phẩm.
Ông Khanh cho biết, hiện các thành viên HTX vẫn còn gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm cà phê. Chính vì vậy, nếu VnSAT kết nối được với các chuỗi cung cầu để sản phẩm cà phê của HTX có thể xuất khẩu thì sẽ mang lại hiệu quả tích cực, lợi nhuận cao.
Với việc tập huấn từ VnSAT, cà phê tái canh cho chất lượng quả rất đều. Ảnh: Tuấn Anh
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, dự án VnSAT có đặc thù rất riêng nên thủ tục giải ngân vốn rất khó. Hiện Đăk Nông còn nguồn vốn ODA khoảng 128 tỷ đồng sẽ được chuyển sang lĩnh vực đầu tư công về cơ sở hạ tầng cho các huyện có quy hoạch đầu tư cà phê cảnh quan và các HTX mà VnSAT đã đầu tư để tạo thành chuỗi liên kết khép kín.
Trong thời gian tới, Đăk Nông cũng dành một số vốn để đầu tư các vườn ươm để tạo ra nhưng giống đầu dòng chất lượng cao phục vụ nhu cầu cho người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện Đăk Nông đang đi theo hướng hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển cà phê cảnh quan.
“Đăk Nông quyết tâm giải ngân hết nguồn vốn này, do đó toàn bộ hồ sơ thiết kế trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành” – ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc dự án kéo dài đế tháng 6/2022, Đăk Nông dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư 27,8 km đường giao thông nội đồng cho 5 tiểu dự án mà tỉnh để tạo ra những vùng liên kết sản xuất cà phê khép kín.
Trong giai đoạn 2021-2025, mong muốn Bộ NN-PTNN có kế hoạch điều chỉnh tổng thể, đặc biệt lĩnh vực đầu tư công đối với ngành hàng cà phê để các địa phương có cơ sở thực hiện.