Đông Xuân là vụ lúa chính của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chất lượng gạo tốt nên các thị trường truyền thống, như Malaysia và Philippines… đang đẩy mạnh mua vào, nhất là Philippines khiến cho thị trường xuất khẩu khá sôi động.
Tín hiệu tốt ngay từ đầu năm
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 1/2020, xuất khẩu gạo ước đạt 559,61 triệu tấn, trị giá 270,26 triệu USD, so với tháng 12/2019 tăng 12,01% về lượng và tăng 38,96% về giá trị. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 28,05% về lượng và tăng 38,38% về kim ngạch.
Từ đầu vụ Đông Xuân đến nay giá lúa trong nước ổn định, lượng bán ra nhiều nên thị trường xuất khẩu cũng sôi động, từ trước Tết các doanh nghiệp đã ký nhiều hợp đồng bán gạo cho Philippines, Malaysia. Đến nay, các nước này vẫn tiếp tục mua vào vì giá gạo Việt Nam đang rất cạnh tranh.
Hiện gạo (IR 50404) loại 5% tấm dao động từ 340 - 350 USD/tấn (FOB). Loại 15% tấm và 25% tấm thấp hơn 10 USD/tấn cho mỗi loại. Gạo DT8 và OM 5451 đang dao dịch ở mức 400 USD/tấn, vào thời điểm tháng 11, tháng 12/2019 các loại gạo này có giá 470 - 480 USD/tấn. Đây là hai loại gạo mà thị trường Philippines rất chuộng, giá thấp nên các thương nhân Philippines đang đẩy mạnh mua vào.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines trên 2 triệu tấn gạo, dự kiến, năm 2020 Philippines sẽ mua lượng gạo bằng hoặc cao hơn năm 2019. Thị trường châu Phi mua khoảng 1 triệu tấn gạo/năm, Malaysia sẽ nhập khẩu khoảng 500.000 tấn/năm, từ tháng 12/2019 nước này đã triển khai mua gạo từ Việt Nam và Thái Lan, nhưng do giá gạo Việt Nam cạnh tranh hơn Thái Lan nên Malaysia chủ yều mua gạo của Việt Nam.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Cuba (G2G) từ 300.000 đến 400.000 tấn gạo/năm. Iraq cũng mua gạo khoảng 300.000 tấn gạo/năm. Trung Quốc chỉ mua 400 ngàn tấn/năm… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn xuất khẩu đi các thị trường khác.
Hạn mặn sẽ ảnh hưởng đến năng suất và lượng gạo xuất khẩu
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, năm 2020 Trung Quốc tiếp tục siết nhập khẩu gạo từ Việt Nam nên cấp hạn ngạch bằng với 2019. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 400.000 tấn gạo, trong đó xuất theo hạn ngạch hơn 300.000 tấn gạo hạt dài, một số khác là đi hàng thuế.
Dự kiến, năm 2020 Việt Nam sẽ xuất khẩu bằng hoặc nhỉnh hơn năm 2019, nhưng do tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp như hiện nay có khả năng năng suất và sản lượng lúa sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến lượng gạo xuất khẩu.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc điều hành mảng gạo Tân Long Group cho biết, nếu xuất khẩu ở mức 6 triệu tấn/năm là hợp lý sẽ không thừa, nhưng 5,5 triệu tấn thì khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện nay, nhu cầu gạo cơ bản khá ổn định và thị trường gạo xuất khẩu là khá sáng, Tân Long là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn với hệ thống kho đủ lớn, vấn đề chúng tôi quan tâm là mua được hàng hóa đúng chất lượng để kinh doanh và có mức giá phù hợp với nhu cầu thị trường.
“Chúng tôi có đầu ra và khách hàng cũng đã đặt hàng nguyên tắc, nên phải tìm hàng đúng với yêu cầu của khách và trong quá trình đó sẽ phải kích thích nông dân trồng đúng loại hàng hóa để bao tiêu. Qua đó sẽ xác lập được một diện tích trồng lúa để ra được nguồn cung tương đối không gây hiếm hàng”, ông Trung nhấn mạnh.
Còn theo một doanh nghiệp ở Đồng Tháp, khu vực ĐBSCL đã xuất hiện một số vùng thiếu nước, cây lúa bị chết, vì vậy, hạn mặn có thể ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Thị trường xuất khẩu đang rất khả quan nhưng với người nông dân giá lúa từ 4.500 đến 4.600 đồng/kg như hiện nay là thấp và bà con không hài lòng. Song, giá lúa có thể sẽ tăng lên khi qua thu hoạch rộ.
Theo bizlive.vn