LÚA GẠO

Điều hành xuất khẩu gạo: Những thành công 2019

Cập nhật ngày: 20 | 01 | 2020

Năm 2019 bên cạnh bảo đảm an ninh lương thực trong nước và đóng góp cho những điểm sáng của bức tranh xuất khẩu, công tác xuất khẩu gạo bên cạnh duy trì “phong độ” vốn có từ nhiều năm qua đã để lại nhiều bài học thành công đặc biệt là sự phối hợp, song hành giữa cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ Công Thương và các doah nghiệp tham gia xuất khẩu gạo.

Số liệu cho thấy trong năm 2019, trong bối cảnh hoàn toàn không thuận lợi, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,3 triệu tấn đạt kim ngạch 2,7 tỷ USD. Một trong những thành công đáng kể nhất là các cơ quan quản lý của Việt Nam mà trực tiếp là Bộ Công Thương bằng các nỗ lực của mình đã giải được bài toán thị trường tại thị trường Philippines.

Theo đó ngày 11/9/2019, Bộ Nông nghiệp Philippines khởi xướng điều tra vụ việc với lí do nhập khẩu gạo gia tăng đột biến gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân Philippines, trong đó có gạo đến từ Việt Nam.

Giữa lúc đó, những dự báo ngay từ đầu năm lại cho thấy, thị trường xuất khẩu năm 2019 sẽ là một năm hết sức khó khăn, thậm chí là có thể xuất hiện nhiều gam màu xám. Nếu động thái này của này tại thị trường Philippines trở thành hiện thực, sẽ là điều hết sức bất lợi cho gạo xuất khẩu Việt Nam

Ngay sau khi nhận được thông báo của Philippines về việc khởi xướng điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo Bộ Công Thương cùng các đơn vị chức năng đã chủ động cung cấp thông tin, khẩn trương trao đổi, làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan để xây dựng phương án xử lý vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngay trong tháng 9/2019, Bộ Công Thương có phái đoàn do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu đã sang và trực tiếp làm việc với một số cơ quan có liên quan của Philippines như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Ủy ban Thuế quan để bày tỏ quan điểm, ý kiến của Việt Nam đối với vụ việc.

Trên cơ sở các buổi làm việc nói trên, đúng một tháng sau, ngày 11/10/2019, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đã thông báo cho phía Việt Nam, đồng thời ra thông báo công khai chấm dứt điều tra sơ bộ về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm gạo nhập khẩu vào Philippines. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian trước mắt, có thể tiếp tục xuất khẩu gạo sang Philippines theo cơ chế hiện hành của Philippines.

Tuy nhiên Bộ Công Thương nhận định, thị trường nước bạn vẫn có khả năng “thòng” một số biện pháp khác theo qui định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và của ASEAN để tác động vào lượng gạo nhập khẩu, do đó, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó khi có tình huống mới phát sinh.

Ngay từ đầu năm 2019 đã xuất hiện nhiều tín hiệu bất lợi cho xuất khẩu gạo trong đó đáng lưu tâm nhất là Trung Quốc- một thị trường chủ lực của Việt Nam mua nhỏ giọt, các thị trường khác hầu như không có tín hiệu khả quan nào. Trước tình hình này Bộ Công Thương đã chủ động bám sát diễn tiến thị trường chủ động có các giải pháp điều hành cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo hướng mở. Theo đó tự do hóa thị trường tập trung, không quản lý đầu mối nữa mà các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được các yêu cầu đêu có thể tham gia xuất khẩu bình thường. Về mặt chính sách, đã chủ động “mở” sớm Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị nhằm chủ đông tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước nhằm sơ kết tình hình xuất khẩu gạo cũng như nhận diện các khó khăn, thuận lợi từ đó đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn.

Cùng đó các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực. Các nước sản xuất tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu. Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Trước xu thế toàn cầu trên, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân. 3 chính sách lớn đã được ban hành là Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đặc biệt ngày 15/8/2018, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Có thể nói Nghị định 107 thể hiện tư duy quản lý mới theo hướng giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.

Nghị định số 107/2018/NĐ-CP cũng bổ sung, điều chỉnh nhiều quy định về hợp đồng tập trung, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quy định về cơ chế hợp đồng tập trung, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Theo Báo Công thương

TIN TỨC KHÁC