Các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan đã lên tiếng ủng hộ quyết định cấm ba loại hóa chất độc hại dùng cho nông nghiệp, nói rằng các nước nhập khẩu đã thắt chặt đơn hàng nông sản dựa trên an toàn thực phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas cho biết hiệp hội này nhất trí với việc Chính phủ cấm hai loại thuốc diệt cỏ là paraquat và glyphosate cùng thuốc diệt côn trùng chlorpyrifos, đồng thời đã yêu cầu nông dân điều chỉnh bằng cách giảm sử dụng những hóa chất đó.
Ông Charoen được truyền thông địa phương dẫn lời nói rằng rất nhiều khách hàng mua gạo đã thắt chặt các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Nếu nông dân Thái Lan không thực hiện lệnh cấm nói trên hoặc không giảm việc sử dụng hóa chất thì xuất khẩu gạo sẽ bị ảnh hưởng, khi tiêu dùng gạo toàn cầu đang chuyển hướng sang những sản phẩm không có hóa chất.
Trong khi đó, Chủ tịch danh dự của hiệp hội, ông Chookiat Ophaswongse, cho biết một số nước, kể cả Mỹ và Nhật Bản cũng như các thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã thông qua những luật lệ mới để bảo vệ người tiêu dùng và thắt chặt các quy định về an toàn thực phẩm đối với tồn dư hóa chất, đặc biệt là trong các sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, đối với gạo, những nước trên yêu cầu không có tồn dư hóa chất hoặc tồn dư ở mức ít nhất. Ví dụ, Nhật Bản đã giảm mức giới hạn tồn dư hóa chất đối với gạo từ nồng độ 0,05 trên một phần triệu (ppm) xuống còn 0,01 ppm.
Ông Chookiat dẫn mẫu do công ty giám định Nhật Bản OMIC thu thập cho thấy không có loại gạo nào của Thái Lan đáp ứng những yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Theo ông Chookiat, Thái Lan đang yêu cầu được miễn trừ, nhưng chưa rõ có được chấp nhận hay không. Nông dân Thái Lan cần chuyển sang sản xuất thực phẩm an toàn hơn và các sản phẩm không có hóa chất. Toàn bộ xuất khẩu nông sản sẽ bị ảnh hưởng nếu việc kiểm tra sau này phát hiện những sản phẩm có chứa hóa chất nhập khẩu từ Thái Lan.
Lệnh cấm sử dụng ba loạt hóa chất paraquat, glyphosate và chlorpyrifos có hiệu lực từ tháng 12/2019. Tuy nhiên, một số nông dân đã đề nghị Tòa án Hành chính ra lệnh đình chỉ lệnh cấm, đồng thời yêu cầu Ủy ban quốc gia về các chất nguy hiểm cân nhắc lại lệnh cấm.
Những nông dân này muốn làm rõ các lựa chọn mà họ sẽ có để diệt cỏ dại sau khi lệnh cấm có hiệu lực. Họ cũng lo ngại rằng những biện pháp thay thế có thể đắt đỏ và làm gia tăng chi phí tổng thể. Tòa án Hành chính đã bác bỏ kiến nghị nói trên.
Thái Lan xuất khẩu tổng cộng 11,09 triệu tấn gạo trong năm 2018, giảm so với mức 11,67 triệu tấn của năm 2017, nhưng nhiều hơn mức 9,91 triệu tấn của năm 2016.
Kim ngạch xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2018 tăng 8,3% so với năm 2017, đạt 5,61 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 4,4 tỷ USD của năm 2016. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đạt trung bình 507 USD/tấn trong năm 2018, tăng 14,1% so với năm 2017.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2019 được dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 8-8,1 triệu tấn, giảm 3,5 triệu tấn so với năm 2018 và thấp hơn mục tiêu mới được hạ xuống là 9 triệu tấn.
Trong khi đó, nhiều đợt hạn hán và lũ lụt nối tiếp nhau ở miền Bắc Thái Lan có khả năng sẽ làm giảm sản lượng lúa khoảng 488.000 tấn ở khu vực này trong mùa vụ 2019-2020, trong đó thóc gạo trắng và thóc nếp được dự báo sẽ là 405.000 tấn, còn lại là gạo hương Thái (Hom Mali).
Theo báo cáo của 20 tỉnh miền Bắc Thái Lan, sản lượng thóc thu hoạch trong vụ chính năm 2019-2020 ước đạt khoảng 12,7 triệu tấn, so với 13,2 triệu tấn so với vụ trước.
Dịch bệnh trên diện rộng cũng được cho là góp phần làm sụt giảm sản lượng gạo hương và gạo trắng, nhất là ở tỉnh Surin. Sản lượng lúa gạo ở Đông Bắc Thái Lan thường chiếm khoảng 37% tổng sản lượng của cả nước.
Theo TTXVN